Một góc nhìn khác về bạo lực học đường

Thứ bảy, ngày 14/03/2015 08:35 AM (GMT+7)
Mấy ngày nay, vụ bạo lực học đường ở một trường THCS tại Trà Vinh đang làm cho dư luận xã hội phải bàng hoàng và phẫn nộ.
Bình luận 0

Bàng hoàng và phẫn nộ bởi lẽ, xét về tính chất, vụ bạo lực học đường lần này hoàn toàn khác hẳn với tất cả các vụ từng được biết đến trước đây. Cả một tập thể nhiều học sinh ngoan hiền học khá giỏi, hạnh kiểm tốt (theo lời của hiệu trưởng nhà trường) đã thản nhiên đánh đập dã man người bạn trong lớp một cách bài bản, chuyên nghiệp, có hệ thống dưới sự chỉ đạo của lớp trưởng để nhằm mục đích buộc học sinh đó phải tuân thủ theo lệnh của lớp trưởng.

Liên hệ sự việc này với việc “trả lương cho lớp trưởng” tại một trường học ở Tiền Giang cách đây không lâu, thì có vẻ như trong nhà trường đang manh nha hình thành lên một tầng lớp “quan cai trị” trong các lớp học, trong cộng đồng học sinh vốn được mặc định là bình đẳng. Thật vậy, nếu nhìn vào mô hình trường học ngày nay, một học sinh bình thường sẽ bị sự giám sát của khá nhiều “tầng lớp”: Sao đỏ; tổ trưởng, lớp phó kỷ luật, lớp trưởng, chi đoàn…

img
Nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng. (Ảnh cắt từ clip)

 

Mỗi tầng lớp giám sát như thế lại có những “quyền” riêng ứng với nhiệm vụ được giao. Điều đáng ngại nhất ở đây là việc mỗi tầng lớp giám sát đó lại bị bắt buộc phải hoàn thành chức trách của mình một cách tốt nhất mà không hề được hướng dẫn làm thế nào để thực hiện được nhiệm vụ đó. Và điều tất yếu xảy ra là chuyện lạm dụng quyền lực để đảm bảo cho công vụ được thực thi.

Bạn Sao đỏ cho phép mình có quyền hạnh họe những bạn khác, đánh giá hành vi của bạn khác theo ý tưởng chủ quan của mình. Lớp trưởng, lớp phó thì nghĩ đến chuyện sử dụng bạo lực ở nhiều mức độ khác nhau để đảm bảo rằng các “thần dân” trong lớp phải tuân thủ mệnh lệnh của mình. Bí thư chi đoàn thì nghĩ đến việc sử dụng hình thức hạ bậc hạnh kiểm để buộc đoàn viên tham gia hoạt động đoàn… và cứ thế mạnh ai người đó làm với những quyền tưởng như là hợp pháp.

Trong khi đó, bản thân của học sinh thật khó khăn khi tìm kiếm sự bảo vệ cho chính bản thân mình. Không thể chuyện gì xảy ra với sao đỏ, lớp trưởng, bí thư chi đoàn…cũng gặp giáo viên chủ nhiệm, giám thị để trình bày. Mà nếu có trình bày chưa chắc các em đã được lắng nghe, được bảo vệ hoặc được xác định đúng sai rõ ràng. Chưa kể đôi lúc còn bị nói rằng “nếu em làm tốt mọi chuyện thì em sẽ không bị như thế …”

Thế là những mâu thuẫn trong nội bộ học sinh bắt đầu tích tụ dần dẫn theo thời gian. Học sinh bình thường sẽ phải chọn lựa giữa hai con đường: hoặc “vùng lên” phản kháng lại sự giám sát bằng bạo lực của chinh bản thân các em (nếu đủ lực) hoặc nín nhịn cam chịu (nếu không có đủ lực để phản kháng). Và cả 2 sự chọn lựa đó đều dẫn đến một kết quả giống nhau: bạo lực học đường bùng phát. Bên cạnh đó, thông tư 08 về việc kỷ luật học sinh ra đời đã quá lâu (từ năm 1988) có vẻ như đã không còn hữu hiệu đối với việc vi phạm kỷ luật của học sinh ngày hôm nay.

Với hành vi bạo lực như trong clip, thì mức xử phạt tối đa chỉ là đuổi học một tuần lễ. Với học sinh hôm nay, chuyện đuổi học 1 tuần chẳng có chút ảnh hưởng nào cả, thậm chí các em còn coi đó như là một dịp tốt để được nghỉ học đi chơi một cách hợp pháp không sợ bố mẹ cấm cản. Chưa kể rằng, sau một tuần đó, trách nhiệm bổ sung kiến thức cho học sinh lại đổ lên vai của các giáo viên.

Chính vì những lý do trên, tình hình bạo lực học đường trong những năm gần đây xảy ra khá thường xuyên với độ ngày càng dã man. Với tình hình hiện nay, sẽ chẳng có gì có thể chặn đứng được các vụ việc bạo lực như thế sẽ không xảy ra nữa. Nên chăng, cần có những giải pháp cấp bách để giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường:

1. Giảm bớt các tầng lớp giám sát trong nhà trường, không nên quá lạm dùng nhiều tầng giám sát như hiện nay.

2. Nghiên cứu thay đổi thông tư 08 về việc xét khen thưởng – kỷ luật học sinh bằng một thông tư khác phù hợp với tình hình hiện nay.

3. Bộ GD-ĐT kết hợp cùng Bộ Công An, Trung ương Đoàn TNCSHCM xây dựng một mô hình trường học dành cho những học sinh bị kỷ luật đuổi học. Thay vì bị đuổi học, các em học sinh sẽ bị bắt buộc chuyển qua trường này để vừa học vừa tham gia lao động công ích bắt buộc trong một khoảng thời gian nào đó (dọn vệ sinh công cộng, chăm sóc bệnh nhận HIV/AIDS; lau chùi các công trình phúc lợi công cộng …) .

4. Liệu chúng ta có thể học tập Singapore về hình thức phạt roi ở nơi công cộng để thể hiện sự răn đề nghiêm khắc đối với các trường hợp đánh nhau hoặc bạo hành người khác? Xử lý nghiêm khắc với cái xấu cũng là một cách giúp cho cái tốt được tồn tại và lớn mạnh.

Phạm Phúc Thịnh (Pháp luật TPHCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem