Một làng mới ở Kon Tum, nơi có đông người dân đi làm công nhân nhất Tây Nguyên, đó là làng nào?
Vào "điểm nóng" di dân tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 1): Niềm vui trên quê hương mới
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 24/11/2023 11:41 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2005 đến tháng 9/2022, các địa phương nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên đã bố trí ổn định cho hơn 48.000 hộ dân di cư tự do. Nhiều điểm dân cư, làng mới bố trí, sắp xếp cho các hộ dân di cư tự do được hình thành, giúp các hộ dân an tâm ổn định cuộc sống lâu dài.
Tỉnh Kon Tum từng là điểm nóng về tình trạng di dân tự do, nhưng trong những năm vừa qua các cấp chính quyền nơi đây đã dồn lực tìm các giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho bà con. Nhiều khu tái định cư, làng mới đã được xây dựng dọc vùng biên giới. Cả nghìn hộ gia đình đã có nơi sinh sống ổn định và định cư lâu dài.
Niềm vui nơi biên viễn
Mô Rai là xã biên giới thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum. Đây là nơi sinh sống của hơn 1.500 hộ dân, trong đó có tới trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi này từng được coi là "ốc đảo" nơi biên giới vì đường từ trung tâm huyện lên xã ngày trước vô cùng khó khăn. Trải qua bao gian khó, giờ đây xã Mô Rai lại được biết đến là điểm sáng về phát triển kinh tế và điểm tái định cư cho các hộ di dân tự do ổn định cuộc sống.
Thôn Ia Tri – điểm bố trí, sắp xếp ổn định cho 35 hộ dân thuộc xã Mô Rai đang chuyển mình mạnh mẽ. Đây là điểm dân cư có đời sống kinh tế khá giả và cũng là thôn biên giới có nhiều người làm công nhân nhất ở đất Tây Nguyên. Ảnh: Khương Lực
Thực hiện Chương trình bố trí dân cư, đặc biệt Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, thôn Ia Tri – điểm bố trí, sắp xếp ổn định cho 35 hộ dân thuộc xã Mô Rai đang chuyển mình mạnh mẽ. Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Tây Nguyên, nhưng thôn Ia Tri lại có đời sống kinh tế khá giả và cũng là thôn biên giới có nhiều người làm công nhân nhất ở đất Tây Nguyên.
Đường đến thôn Ia Tri đã được trải nhựa phằng lì. Dọc hai bên đường là rừng cao su xanh mướt nối nhau chạy dài tới tận chân trời. Cả một vùng cao nguyên đất đỏ từng được coi là nơi thâm sơn cùng cốc đang ngời lên sức sống. Điện đã kéo tới tận từng gia đình, đường, trường, trạm nơi đây được xây dựng khang trang. Thấp thoáng bên tán rừng cao su là nơi định cư của 35 hộ dân của thôn Ia Tri.
Giữa trưa, trời hong nắng vàng hắt lên những ngôi nhà lợp tôn được xây dựng kiên cố nom thật ấm cúng. Trái với cảnh đìu hiu nơi sơn cước, nhịp sống nơi đây diễn ra vô cùng sôi động. Xe tải chở mủ cao su nối nhau rời xã. Bà con ai cũng có xe máy để di chuyển đến nơi làm việc. Người cạo mủ cao su, người chuyển sản phẩm trao cho công ty cao su… Công việc diễn ra thật hối hả và khẩn trương.
Giữa trưa, công nhân cao su bắt đầu tan làm. Họ cùng nhau trở về tổ ấm của mình. Đến thăm gia đình chị Vì Thị Lợi mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc của các thành viên. Vợ chồng chị Lợi đi xe máy từ rừng cao su về nhà mất chưa đầy 5 phút. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị vào bếp nấu bữa cơm cho gia đình.
Chị Lợi kể, cách đây 15 năm, vợ chồng chị di cư từ huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vào vùng biên viễn này. Những ngày đầu vợ chồng chị làm thuê, làm mướn, ai thuê gì làm đó. Cuộc sống nay đây, mai đó khiến gia cảnh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Đất sản xuất chưa có, chỗ ở cũng không, vợ chồng chị làm bữa nay, lo bữa mai.
Cuộc sống khó nhọc nơi cao nguyên cũng dần trôi qua, từ khi được nhận vào làm công nhân của công ty cau su, đời sống gia đình chị đã bước sang trang mới. Chồng chị thì nhận cạo mủ cao su khoán. Thu nhập của hai vợ chồng cộng lại được 15 triệu. Những ngày đầu, vợ chồng chị ở nhờ dãy nhà tập thể của công ty. Từ khi dự án bố trí dân cư được xây dựng tại xã, gia đình chị được xét duyệt và có trong danh sách những hộ được tham gia dự án tại thôn Ia Tri.
Hành trình gian khó nơi đất khách quê người của anh chị đã khép lại khi được nhận đất tái định cư. Nhờ số vốn gom góp được bao năm, chị xây nhà, mua sắm đồ đạc. Giờ đây cuộc sống đã bước sang một trang mới. Chị có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm, chồng chị chịu thương, chịu khó nên kinh tế của gia đình ngày một sung túc. Hai đứa con của chị được đến trường đến lớp.
Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết, hiện điểm dân cư này đã có 11 hộ dân triển khai xây dựng nhà cửa khang trang, rộng rãi, từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. "Đến nay cơ bản các hộ dân đã xây nhà, có một số hộ dân hiện nay đang làm công nhân cho Công ty Duy Tân, họ có nhà ở để phục vụ trong khu nương rẫy thì họ đã làm móng nhà, thời gian tới có điều kiện thì họ sẽ di chuyển nhà của họ ở trong kia ra để họ làm nhà ngoài đây, để phục vụ cho cuộc sống ở đây" – ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, 35 hộ ở điểm bỗ trí, sắp xếp dân cư này chủ yếu làm công nhân cao su cho Công ty 78 và Công ty Duy Tân với mức thu nhập hàng tháng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. So với các thôn làng khác của Mô Rai, thôn Ia Tri là có cuộc sống sung túc nhất. Thôn thành lập sau, nhưng việc phát triển kinh tế lại đứng đầu của xã. Chủ trương chính sách của Nhà nước hỗ trợ các hộ dân định cư đã mang lại cho họ cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Xóa "ốc đảo" Mô Rai
Từ trung tâm xã Mô Rai về trung tâm huyện Sa Thầy là 65 km nhưng để đi đến nơi phải mất một ngày với nhiều cung đường ám ảnh như dốc đỏ, dốc Sô Tây Tăng... Mô Rai như một "ốc đảo", ẩn mình giữa đại ngàn.
Để Mô Rai bắt nhịp với sự phát triển chung của toàn vùng, nhiều nút thắt từ giao thông đã được gỡ. Tuyến tỉnh lộ 674 nối Sa Thầy với Mô Rai đã được trải nhựa và đổ bê tông tạo sự kết nối cho vùng biên. Đặc biệt, Quốc lộ 14C, tuyến đường huyết mạch, huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ đã được thông suốt, góp phần thay đổi diện mạo Mô Rai theo hướng xanh, đẹp hơn.
Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Kon Tum nói chung và xã Mô Rai nói riêng đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường bê tông nhựa và láng nhựa, công trình thoát nước (cầu và cống) vĩnh cửu. Việc Quốc lộ 14C được thông suốt toàn tuyến năm 2019 đã tạo thuận lợi cho an ninh quốc phòng và sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng biên. Con đường tạo điều kiện cho người dân có thể giao thương với hai huyện Ia H'Drai, Sa Thầy, biến "ốc đảo" thành điểm sáng ở vùng biên ngày nay.
Cùng với Quốc lộ 14C, các tuyến giao thông liên thôn, liên xã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân… "Ngày trước chưa có Quốc lộ 14C thì nói chung đường sá còn khó khăn, hiện tại bây giờ có Quốc lộ 14C lưu thông thì tất cả mọi cái hàng hóa lưu thông, so với cuộc sống cũ thì nó ổn định hơn nhiều" – anh Hà Văn Vững ở thôn Ia Tri nói và cho biết cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Mô Rai có được như ngày nay là nhờ các cấp chính quyền tạo điều kiện để phát triển. Nhà nước đã đầu tư lớn vào giao thông, nhất là Quốc lộ 14C, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Mô Rai với các vùng khác trong tỉnh. Khi giao thông thuận lợi, tạo đà cho Mô Rai thu hút đầu tư. Cùng với đó, nông sản, sản vật của Mô Rai tiếp cận với bên ngoài và ngược lại. Đây là niềm vui lớn của người dân Mô Rai. Giao thông thuận lợi tạo tiền đề vững chắc cho Mô Rai trên con đường phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.