Một loại máy giúp người trồng lúa giảm 60-70% lượng hạt giống, lúa lên khoẻ, cho thu nhập vượt trội

Minh Huệ Thứ hai, ngày 13/05/2024 14:34 PM (GMT+7)
Máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ tương tự như máy cấy, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo cụm đẹp và thông thoáng như ruộng lúa cấy. Nhờ đó cây lúa lên khoẻ, năng suất cao, giúp người trồng lúa tăng thu nhập.
Bình luận 0

Theo đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, đơn vị trực tiếp đưa máy sạ cụm từ Hàn Quốc về Việt Nam, khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm, bà con sẽ giảm khá lớn lượng hạt giống. Lúa lên đều theo cụm, ruộng thông thoáng, cây khỏe hơn, ít sâu bệnh hơn nên kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và ô nhiễm môi trường…

Về hiệu quả kinh tế, qua nhiều vụ sản xuất và các mô hình trình diễn tại nhiều tỉnh thành cho thấy, ruộng lúa sạ theo cụm cho thu nhập vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp và tốn thời gian, từ đó giảm chi phí gieo cấy. Ngoài ra, ruộng lúa sạ theo cụm phần nào phát huy được ưu thế của giải pháp canh tác lúa theo hiệu ứng hàng biên, nên giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Một loại máy giúp người trồng lúa giảm 60-70% lượng hạt giống, lúa lên khoẻ, cho thu nhập vượt trội- Ảnh 1.

Máy sạ cụm dễ vận hành và có thể kết nối thêm bộ phận bón phân vùi và bộ phận phun thuốc diệt mầm tạo thành cỗ máy đa năng "3 trong 1", cùng lúc có thể vừa sạ, vừa bón phân vùi và phun thuốc diệt mầm.

Cụ thể, ruộng sạ cụm chỉ sử dụng lượng hạt giống tối thiểu (từ 40 – 60 kg/ha), giúp giảm được 60 – 70% lượng hạt giống sử dụng so với tập quán sạ lan. Với ý nghĩa này, có thể nói máy sạ cụm đã làm được cuộc "cách mạng" trong giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ hiện nay, một điều mà ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã phát động nhiều năm, nhưng kết quả vẫn còn còn khiêm tốn.

Điều quan trọng là từ chỗ giảm lượng giống, ruộng lúa sạ cụm giảm được 15 – 20% lượng phân bón vô cơ; giảm từ 1 – 2 lần phun thuốc BVTV; lúa ít bị đổ ngã, giúp năng suất lúa tăng thêm 0,5 – 0,8 tấn/ha (tăng 8 – 10%). Nhờ đó, mô hình sạ cụm có hiệu quả kinh tế tăng thêm 2,5 – 3,5 triệu đồng/ha (tăng 10 – 15%).

Và quan trọng hơn, từ chỗ giảm lượng lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV thì các mô hình áp dụng máy sạ cụm đã giảm được lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa - một chỉ tiêu quan trọng của Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (1 triệu ha), là yêu cầu của sản xuất lúa bền vững.

Đặc biệt, sạ cụm có nhiều lợi thế hơn hẳn so với sạ lan, đồng thời nếu kết hợp sạ cụm với bón vùi phân cùng lúc với gieo sạ thì các lợi thế trên sẽ được khai thác triệt để.

Một loại máy giúp người trồng lúa giảm 60-70% lượng hạt giống, lúa lên khoẻ, cho thu nhập vượt trội- Ảnh 2.

Các đại biểu, nông dân thăm mô hình ứng dụng máy sạ cụm ở xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang trong khuôn khổ mô hình "Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL", do Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng thực hiện. Ảnh: V.Đ

Với kết quả thực tế triển khai trên đồng ruộng vùng ĐBSCL thời gian qua, ngày 25/4/2022 mô hình sạ cụm đã được Cục Trồng trọt đưa vào Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong trồng lúa tại vùng ĐBSCL theo Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN. 

Máy sạ lúa theo cụm đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty CP Phân bón Bình Điền đưa vào áp dụng tại các mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với bến đổi khí hậu thực hiện tại ĐBSCL, với mục tiêu đặt ra là giảm lượng giống lúa sử dụng.

Đặc biệt, Máy sạ cụm đã được Cục Trồng trọt đưa vào Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL để hướng dẫn thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa tại Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27/3/2024.

Ngoài các vùng trồng lúa trong cả nước, hiện nay máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng đã được xuất khẩu sang các nước láng giềng, như Campuchia, Ấn Độ…

Máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng được doanh nghiệp nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc từ vụ hè thu 2019. Đến nay đã nội địa hóa khoảng 50%, phần còn lại (bộ phận gieo giống) thuộc độc quyền phân phối của nhà chế tạo Hàn Quốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem