Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin về kết quả xác minh lô hàng sầu riêng phía Trung Quốc cảnh báo

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 12/05/2024 19:32 PM (GMT+7)
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) vừa thông tin về kết quả xác minh 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định. Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt, nếu sầu riêng Việt Nam không giữ vững chất lượng thì nguy cơ đánh mất thị trường.
Bình luận 0

Không phát hiện mẫu sầu riêng nào vượt ngưỡng cadimi như cảnh báo

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến nay đã có kết quả kiểm tra việc xác minh các lô hàng, mã số vùng trồng sầu riêng mà phía hải quan Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo ông Đạt, sau khi nhận được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát. Cùng với đó, lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách cảnh báo nhiễm cadimi.

Đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng từ mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng... Kết quả, không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo, ông Đạt thông tin.

Cục Bảo vệ thực vật đang tổng hợp thông tin để báo cáo Bộ trưởng NNPTNT, sau đó sẽ tổ chức họp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc; họp báo thông tin rộng rãi tới người dân và cơ quan chức năng trong nước.

Trước đó, vào thời điểm tháng 3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin về kết quả xác minh lô hàng sầu riêng phía Trung Quốc cảnh báo- Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Đăk Lăk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: V.G

Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng còn thấp

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippine, Indonesia…, Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt sầu riêng trái vụ. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110.000ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018), trong đó xuất khẩu trên 600.000 tấn và thu về khoảng 2,2 tỷ USD. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn.

Với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỉ dân này chỉ sau chưa đầy 2 năm gia nhập.

Đối với việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tại hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững do Bộ NNPTNT giao Cục BVTV tổ chức mới đây, ông Huỳnh Tấn Đạt thông tin, đến nay, cả nước đã có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL (là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng).

Trong bối cảnh mặt hàng sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành sầu riêng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. "Các trường hợp vi phạm không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh khi xuất khẩu và gian lận trong xuất khẩu sầu riêng, thậm chí thu hái cả sầu riêng xanh để xuất khẩu sang Trung Quốc, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sầu riêng Việt Nam" - ông Đạt nói.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, có một thực tế là các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là Nghị định thư sầu riêng đã ký với Trung Quốc. Tỷ lệ giám sát hiện còn thấp, thậm chí nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không thực hiện giám sát theo quy định. Việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa kịp thời và triệt để.

"Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực tế có nhiều lô hàng sầu riêng nhận được cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong thời gian qua và có dấu hiệu gia tăng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ đưa toàn bộ ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hơn thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc" - ông Đạt đưa ra cảnh báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem