Những ngày này đi theo những con đường mòn chạy hun hút giữa những cánh rừng cao su đang mùa thay lá tại Bình Phước, người ta rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đi mót mủ cao su, rong ruổi từ vườn cao su này đến vườn cao su khác.
Đa phần người đi mót mủ cao su là phụ nữ lớn tuổi. Trong đó có không ít người là đồng bào dân tộc bản địa. Hành trang trong những chuyến đi mót mủ của những người này rất đơn giản gồm:một cây có gắn móc sắt ở đầu, gùi, túi nilong.
Cách lấy mủ mót được thực hiện khi những giọt mủ còn sót lại trên cây đóng cứng lại hoặc rơi xuống dưới gốc, những người mót mủ sẽ dùng móc sắt cạy và kéo lớp mủ ra. Thậm chí kể cả những cây có mủ rớt xuống lâu ngày đóng cục lại cũng được người dân vạch lá, hoặc khoét đất để lấy mủ.
Đối với những rừng cao su nhiều năm tuổi, vết cạo ở cao nên những người mót mủ thường phải mang theo thang hoặc ghế nhựa để đứng lên vét mủ trên thân cây.
>>Chùm ảnh: Mùa mót mủ cao su
Chị Thị Neo (39 tuổi, người dân tộc Stiêng, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), cho biết: tại đây, có rất nhiều người đi mót mủ cao su, chủ yếu là những người không còn sức lao động hoặc những người không có việc làm.
Do người đi mót mủ đông nên trung bình mỗi người được khoảng 3-5kg mủ/ngày (15.000 đồng/kg). Việc mót mủ cao su chỉ được tiến hành khi những vườn cao su vào mùa rụng lá, không còn khai thác.
Cũng theo những người mót mủ, đội quân mót mủ đông lên trông thấy. “Từ nay đến Tết chỉ còn mót mủ được mấy ngày thôi. Mình ráng kiếm ít tiền để mua sắm đồ Tết, rồi qua Tết sẽ đi lượm điều kiếm tiền”, chị Thị Thanh (30 tuổi, người dân tộc Stiêng, ngụ tại Bình Long, Bình Phước) cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ tại Bình Long, mà nhiều rừng cao su khác của Bình Phước hàng ngày vẫn có rất nhiều người đi mót mủ. Trong thời kỳ nông nhàn, không có người thuê mướn thì việc kiếm được vài chục ngàn đồng bằng nghề mót mủ là niềm vui không nhỏ đối với những gia đình nghèo tại đây.
Hữu Ký
Vui lòng nhập nội dung bình luận.