Một năm, có 10.800 người chết vì thiên tai, thiệt hại 20.000 tỷ đồng

Đình Thắng Thứ ba, ngày 03/10/2017 14:36 PM (GMT+7)
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai trừ sóng thần. Trong vòng 20 năm trở lại đây thiên tai thảm họa đã làm chết và mất tích 10.800 người, về GDP thiệt hại bình quân năm khoảng 20.000 tỉ đồng.
Bình luận 0

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” do Bộ NNPTTN phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức sáng nay (3.10), tại Hà Nội.

img

Lũ quét xảy ra ở Yên Bái đợt tháng 8.2017 đã gây thiệt hại nặng nề. Ảnh IT

Trong các loại hình thiên tai, lũ ống, lũ quét sạt lở đất được đánh giá hết sức nguy hiểm, có mức độ tàn phá lớn và để lại hậu quả lâu dài. Thực tế cho thấy, việc cảnh báo, dự báo những loại hình thiên tai này còn hạn chế. Các đại biểu cho rằng, ứng phó với loại hình này cần thực hiện song song “giải pháp công trình” và “phi công trình”.

Ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng, đến nay các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và ban hành kế hoạch và phương án ứng phó. Trong đó 18 tỉnh đã có kế hoạch đánh giá về chỗ ở an toàn miền núi. Qua khảo sát hơn 700.000 hộ cho thấy, hơn 36 nghìn hộ dân ở khu vực miền núi có chỗ ở kém an toàn; gần 1.700 hộ cần di dời khẩn cấp.

img

Trong vòng 20 năm trở lại đây thiên tai thảm họa đã làm chết và mất tích 10.800 người. Ảnh IT

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống thiên tai nói chung, lũ quét, sạt lở đất nói riêng của Nhật Bản, ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết: “Việc liên tục đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, việc tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, các công trình đập rất quan trọng, trên cơ sở đó vận dụng vào hoạt động cảnh báo sớm. Ngoài ra, theo ông Junichiro Kurokawa, giải pháp quan trọng còn là từng bước nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai...”.

Đối với Việt Nam, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết, trong thời gian tới Tổng cục sẽ xây dựng và triển khai Chương trình tổng phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, tập trung vào lũ quét và sạt lở đất. Trong đó, xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Xác định được các giải pháp công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các vùng có nguy cơ cao tại các địa phương; thí điểm tại một số địa phương. Đề xuất và triển khai các giải pháp phi công trình như: tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo … để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương; cần phải có một cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và uỷ ban dân tộc miền núi, ban chỉ đạo Tây Bắc, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.

Trong đó, cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo. Xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trị tiềm năng xảy ra nguy cơ. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Đưa thông tin kịp thời tới vùng sâu, vùng xa (thôn bản); Có chính sách định canh, chuyển đổi phát triển kinh tế vùng miền núi nhằm giảm phá rừng; Có đề án di dời dân cư phòng tránh thiên tai....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem