Một ngôi làng "đặc biệt" ở Bình Định, có nghề chằm nón ngựa vừa được công nhận là di sản quốc gia

Quy Nhơn Thứ bảy, ngày 14/09/2024 18:38 PM (GMT+7)
Nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc. Nghề chằm nón ngựa Phú Gia, vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình luận 0

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia"

Ngày 12/9, tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Phù Cát, tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia".

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (74 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường) cho biết, nón ngựa Phú Gia được làm thủ công với nhiều công đoạn công phu, mỗi công đoạn lại yêu cầu cách thức khác nhau.

"Để làm ra chiếc nón ngựa, nghệ nhân phải thực hiện 10 công đoạn, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá… Nón có kết cấu rất đặc biệt và rất bền chắc, nguyên liệu làm nón là lá kè (lá cọ) dùng lợp nón, ống giang (cật), rễ dứa… kết thành 10 lớp. Mỗi chiếc nón ngựa nếu được làm bài bản, đúng kỹ thuật và giữ gìn cẩn thận, độ bền sử dụng có thể lên đến cả trăm năm", nghệ nhân Đỗ Văn Lan chia sẻ.

Một ngôi làng "đặc biệt" ở Bình Định, có nghề làm nón gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 1.

Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia". Ảnh: QN.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, nghề chằm nón ngựa Phú Gia được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của Bình Định, được ghi danh.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, mảnh đất võ Bình Định có truyền thống lịch sử lâu năm và bề dày văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, không thể không kể đến Làng nghề nón ngựa Phú Gia, với hơn 300 năm.

Nón ngựa Phú Gia biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ gắn liền với đội quân Tây Sơn thần tốc. Dù trải qua hàng trăm năm lịch sử, những chiếc nón nơi đây vẫn mang đậm bản sắc văn hóa của miền đất võ, trời văn.

Một ngôi làng "đặc biệt" ở Bình Định, có nghề làm nón gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 2.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia", tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũng Nhân.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, đầy tự hào của các nghệ nhân và nhân dân huyện Phù Cát. Những năm gần đây, làng nón ngựa Phú Gia được du khách trong và ngoài nước rất ưa thích, nhiều du khách nước ngoài đã đặt hàng, mua nón ngựa đem về nước", ông Hưng cho hay.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh thành khắp cả nước.

"Niềm tự hào, vinh dự của người dân Bình Định"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, nón ngựa Phú Gia từ lâu đã là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc và những người thuộc giới thượng lưu, quyền quý.

Một ngôi làng "đặc biệt" ở Bình Định, có nghề làm nón gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang. Ảnh: QN.

Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn, sẽ có độ bền sử dụng 150 - 200 năm. Hiện vẫn còn nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước được lưu giữ tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị huyện Phù Cát cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết, lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để gắn giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế và du lịch.

Cùng với đó là xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân. Xây dựng tour, tuyến phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế. hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia là sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định.

Một ngôi làng "đặc biệt" ở Bình Định, có nghề làm nón gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - Ảnh 4.

Nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ. Ảnh: Dũng Nhân.

Mỗi năm sản xuất hơn 3.000 nón ngựa Phú Gia

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, hiện nay làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia có khoảng 300 hộ tham gia, mỗi năm sản xuất hơn 3.300 sản phẩm.

"Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất của làng nghề phát triển sản xuất theo hướng liên kết tạo sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang giá trị đặc trưng của làng nghề và đưa hình ảnh chiếc nón ngựa Phú Gia lan tỏa nhiều nơi hơn nữa", ông Hưng cho hay.

Vẫn theo ông Hưng, tới đây huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất phát triển theo hướng liên kết, tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Tôn vinh các nghệ nhân, người nắm giữ di sản có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Hình thành khu trưng bày, khu trình diễn nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm; đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Thành lập tổ hợp tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử làng nghề.

"Tạo động lực để những người ở làng nghề nón ngựa Phú Gia an tâm giữ nghề, giữ nét tinh hoa văn hóa của cha ông, nét truyền thống văn hóa riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa người Phù Cát - Bình Định", ông Hưng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem