Ly kỳ chuyện loài hổ kéo nhau ra ao uống nước ở một nơi từng là khu rừng nguyên sinh ở Bình Thuận

Thứ hai, ngày 11/11/2024 15:02 PM (GMT+7)
Thủa ban đầu ngôi chùa được người dân địa phương dựng lên bằng tranh tre, vách lá trên dốc đá để thờ Phật và cầu an. Sau nhiều năm, chùa bị hư hỏng nặng. Đến năm 1851, chùa Linh Long dời về đồi cát Nghĩa Trũng, giếng Ông Hổ, thuộc khu phố 9, phường Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Nơi đây có những câu chuyện ly kì.
Bình luận 0

Tương truyền rằng, xưa kia nơi đây là khu rừng nguyên sinh hoang sơ đầy cây cối, bên trong có rất nhiều chim và thú, hổ được xem là chúa tể của cả khu rừng này. 

Những vị tiền bối sống ở đây thường thấy loài hổ uống nước tại một cái ao rộng 4m, sâu hơn 5m. 

Uống nước xong con hổ ngồi trên tảng đá để phơi nắng. Vì thế, người dân mới xây ao thành giếng, đặt tên là giếng Ông Hổ để tôn thờ vị chúa tể sơn lâm này…

Trải qua hơn 200 năm, dù được trùng tu và xây dựng lại trên nền đất mới, nhưng chùa Linh Long vẫn giữ lại nét kiến trúc phật giáo của đầu thế kỷ 19 (thiết kế hình chữ khẩu).

Trong chánh điện là nơi thờ tự chính của chùa đang lưu giữ những hiện vật cổ xưa như: 2 bàn gỗ xưa chạm 2 câu đối; một số mõ gõ, bàn ghế chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo hình rồng, hình phượng.

Chùa Linh Long có khu vườn tuyệt đẹp về kiến trúc và mỹ quan, trong đó khu vườn tháp có 4 ngôi tháp lớn mang tên tháp Hòa Thượng Hoằng Phúc; tháp Hòa Thượng Diệu Quả; tháp ngài Ngô Văn Mực và tháp Đại Đức Đồng Lễ.

img

Vườn tháp ở chùa Linh Long – Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây xưa kia vốn là một khu rừng nguyên sinh với giai thoại kể nhiều đến loài hổ. Hổ thường ra ao uống nước rồi lên tảng đá ngồi.

img

Tượng Phật nằm nhập niết bàn ở chùa Linh Long, Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Trong đó, ngôi tháp Hòa Thượng Hoằng Phúc cao 3 tầng được đánh giá là một trong những ngôi tháp đẹp nhất ở Bình Thuận. 

Kế vườn tháp là vườn Lâm Tỳ Ni có phù điêu rồng cuộn hai bên trụ cổng. Khu vườn Lộc Uyển có tượng Phật Thích Ca ngồi dưới cây bồ đề thuyết pháp. Cuối cùng là khu vườn sau chùa, nơi có tượng Phật nằm Nhập Niết Bàn. 

Mỗi lần du khách đến tham quan, vãn cảnh các khu vườn này thì không thể bỏ lỡ những bức ảnh lưu niệm quý giá. 

Với những khu vườn đẹp, mang ý nghĩa khác nhau và lối kiến trúc, bài trí độc đáo nên du khách đến chùa Linh Long không chỉ thắp nén hương bái phật, cầu mong những điều may mắn, bình an trong cuộc sống mà còn là điểm tham quan vãng cảnh hấp dẫn mỗi khi lữ khách đến du lịch Mũi Né.

Chị Lê Thị Hoàng, du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến vãn cảnh chùa chia sẻ: “Ngày trước, nói đến địa danh Mũi Né du khách nghĩ ngay đến vùng đất “Biển xanh, cát trắng, nắng vàng” với những thắng cảnh thiên nhiên tuyết đẹp như: Hòn Rơm, đồi Hồng, đảo Ghềnh, làng chài Mũi Né... ít người nghĩ đến ngôi chùa cổ trên 200 năm tuổi. 

Nhưng bây giờ nhiều du khách đến Mũi Né hành trình đầu tiên là ghé chùa Linh Long thắp nén hương bái phật, cầu mong sự bình an, sau đó mới tìm đến các địa danh, thắng cảnh nổi tiếng khác để tham quan, chiêm ngưỡng…”.

Nhật Hoàng (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem