Một trong bảy đô thị đầu tiên ở Trung Kỳ thời Pháp thuộc nay là một thành phố lớn của Bình Thuận
Một trong bảy đô thị đầu tiên ở Trung Kỳ thời Pháp thuộc nay là một thành phố trung tâm của Bình Thuận
Thứ bảy, ngày 25/05/2024 06:30 AM (GMT+7)
Khác với triều Nguyễn, thực dân Pháp không chọn Hòa Đa để đóng lỵ sở của “chính quyền bảo hộ” tại Bình Thuận mà lại chọn Phan Thiết. Từ đó, thị tứ này được quy hoạch để trở thành 1 trong 7 đô thị kiểu mới đầu tiên ở Trung kỳ(1).
Theo Đại Nam nhất thống chí, địa danh Phan Thiết có từ năm 1697, khi nó là 1 trong 4 đạo thuộc dinh Bình Thuận.
Dưới thời chúa Nguyễn, đây là mảnh đất lành thu hút đông dân cư từ các miền biển Trung kỳ đến lập nghiệp; nhờ họ nên vào thế kỷ XIX, Phan Thiết đã là nơi đô hội, có “thuyền chài cá, thuyền buôn bán qua lại tấp nập, cư dân trù mật, phố xá liền nhau”.
Trong những năm 1880 - 1885, Phan Thiết lại chuyển mình, thành thị trấn giàu có và sầm uất. Étienne Aymonie cho hay, thời này 2 bên bờ sông Cà Ty đã có đông nhà dân, càng về phía biển càng san sát.
Cửa biển Cồn Chà là một hải cảng đẹp, thuyền mành lớn từ biển đi vào rất dễ dàng. Phan Thiết được xem là “hải cảng quan trọng nhất và quần thể dân cư đông đúc nhất miền duyên hải An Nam kể từ Sài Gòn tới Nam Định”.
Ở đây, hoạt động nội ngoại thương tương đối phát triển; mỗi ngày có 2 buổi chợ sáng chiều.
Trong chợ, bày bán rất nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc và châu Âu. Các sản phẩm thị trường xuất khẩu của địa phương như cá mắm chủ yếu xuất vào Sài Gòn - Chợ Lớn và đi Singapore.
Mũi Né tuy chỉ là một làng chài nằm bên một vịnh nhỏ nhưng đã có tới 400 nóc nhà ngói kiên cố, khang trang(2).
Tòa Công sứ Pháp tại Phan Thiết (Bình Thuận) - Ảnh: delcampe.net
Năm 1897, sau khi nhậm chức Toàn quyền, Paul Doumer có chuyến thị sát toàn Đông Dương; trong chuyến đi này có đến Phan Thiết. Bằng con mắt quan sát tinh tế và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tài ba, Doumer đánh giá cao tiềm năng vùng đất mà ông đang đứng.
Sau này, trong hồi ký của mình Doumer cho biết, Phan Thiết là “trung tâm của những hoạt động rất thú vị”, nơi này “ẩn chứa những nguồn lực dự trữ cho công cuộc thực dân hóa của người Pháp”(3).
Qua những trích đoạn từ sử liệu triều Nguyễn và ghi chép của người Pháp, có thể nhận xét rằng: cho đến cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Phan Thiết hội đủ những điều kiện để trở thành một đô thị kiểu mới theo hướng “trung tâm cảng và thương mại” - một trong những hướng quy hoạch, thiết lập đô thị của Pháp thời cận đại.
Về thời điểm thành lập thị xã Phan Thiết
Từ trước đến nay, trong các sách vở địa phương đều cho rằng năm 1898 là mốc thời gian ra đời của thị xã Phan Thiết(4). Do đó, trong năm 1998 đã có nhiều hoạt động để kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã (1898 - 1998). Theo cách hiểu của chúng tôi, sở dĩ năm này được coi là thời điểm ra đời thị xã Phan Thiết xuất phát từ tờ trình ngày 20/10/1898 của viện Cơ mật gửi lên vua Thành Thái.
Qua đối chiếu lại sử liệu chúng tôi thấy rằng, nội dung của tờ trình là những đề xuất cho việc thiết lập các đô thị ở Trung kỳ, trong đó có Phan Thiết. Và mãi gần 1 năm sau, vào ngày 12/7/1899 vua Thành Thái mới xuống dụ công bố thành lập 6 đô thị Trung kỳ. Nội dung chỉ dụ có đoạn:
“Trẫm, Đại hoàng đế An Nam
Chiểu theo kết quả tốt đẹp của những biện pháp mà Cơ Mật viện đã đề xuất vào ngày 6 tháng 9 năm Thành Thái thứ 10 (20/10/1898) về vấn đề thành lập các đô thị ở An Nam.
Nay trẫm quyết định bổ khuyết các biện pháp sơ bộ bằng một tổ chức hẳn hoi.
Tổ chức này được áp dụng ở các trung tâm là Thanh Hóa, Vinh, Huế, Faifo (Hội An), Quy Nhơn và Phan Thiết. Mỗi trung tâm có một nguồn ngân sách riêng. Giới hạn của từng trung tâm sẽ được xác định bởi quyết định của Khâm sứ Trung kỳ”(5).
Sau đó, ngày 13/7/1899, Khâm sứ Léon Boulloché phê duyệt, rồi Toàn quyền Paul Doumer ra quyết định chuẩn y vào ngày 30/8/1899.
Từ những dẫn liệu trên, tác giả cho rằng việc lấy ngày 20/10/1898 làm mốc đánh dấu sự ra đời của thị xã Phan Thiết là chưa hợp lý.
Theo điển chế triều Nguyễn, viện Cơ mật giữ vai trò dự bàn những việc cơ mưu trọng yếu của quốc gia, sau khi bàn xong mới tham mưu cho hoàng đế. Tức là, tờ trình ký ngày 20/10/1898 chỉ là đề xuất, là sự khởi động ban đầu của quá trình quy hoạch, thiết lập 6 đô thị ở Trung kỳ mà thôi.
Và, người ra quyết định cuối cùng phải là vua Thành Thái, dù biết rằng đây là “việc đã rồi”, tức là kết quả cuộc họp của Cơ mật viện và chỉ dụ của vua Thành Thái đều chịu tác động ít nhiều từ phía chính quyền thực dân. Do đó, chỉ dụ ngày 12/7/1899 của Thành Thái mới là văn bản có tính pháp quy cao nhất công nhận Phan Thiết là thị xã.
34 năm sau, ngày 28/11/1933, Toàn quyền Pierre Pasquier ra nghị định nâng cấp thị xã Phan Thiết lên thành phố cấp III. Từ đó, Phan Thiết trở thành 1 trong 7 thành phố đầu tiên ở Trung kỳ, bao gồm: Đà Nẵng (là thành phố cấp II từ 1889), Đà Lạt (1920), Vinh (1927), Huế, Thanh Hóa (1929), Quy Nhơn (1930)(6). Đến cuối thời kỳ thuộc Pháp, toàn xứ Trung kỳ cũng chỉ có 6 thành phố cấp III này.
Về tổ chức hành chính, sau khi nâng lên thành phố, các làng trước kia được sắp xếp lại thành 6 phường, đường ranh giới giữa các phường và toàn thành phố được phân biệt rõ. Bên hữu ngạn sông Cà Ty có phường Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo và Đức Long, theo quy hoạch là khu nhà ở và phố xá của người dân.
Bên tả ngạn có các phường Phú Trinh, Bình Hưng là khu vực dành cho người Âu, nơi đóng các cơ quan và dinh thự của chính quyền “bảo hộ”; bao gồm: Tòa Công sứ, Trại lính khố xanh, sở Công chánh (Lục lộ), sở Thương chánh, sở Kiểm lâm, Kho bạc, Nhà thương, sở Bưu chánh (Nhà giây thép), sở Liêm phóng (Mật thám), sở Cảnh sát (Nhà cò), Tòa án tạp tụng.
Về dân số, đầu những năm 1930, Phan Thiết có khoảng 25.000 dân, phần đông là người Việt, một số ít người Hoa, Chà Và (chỉ những người có màu da ngâm đen gốc Ấn Độ, Malaysia, Indonesia) và khoảng 60 người Âu(7).
Nhờ nghề đánh bắt và chế biến hải sản nên sang đầu thế kỷ XX, Phan Thiết đã “có tiếng là tỉnh giàu nhất Trung kỳ”(8). Trong bài viết đầu tiên về Đông Dương đăng trên tạp chí lừng danh thế giới - National Geographic Magazine, số tháng 8/1931, tác giả Robert Moore đã dành một đoạn viết và đăng kèm 2 tấm ảnh về thị xã này: “Phan Thiết quảng cáo về ngành công nghiệp của mình và phát triển nó một cách mạnh mẽ.
Ngành kinh doanh của (thị) xã này là đánh cá. Xã này nổi tiếng với nghề chế biến nước mắm có mùi khắm được chuyên chở tới khắp nơi tại Đông Dương như một thứ gia vị cho thực đơn kiểu gạo-và-cà ri của người dân.
Nó là một sản phẩm nặng mùi, nhưng nếu ta có thể chịu đựng được mùi đủ lâu để thăm viếng các thuyền đánh cá dọc theo bến cảng, ta có thể nhìn thấy nó được đóng vào các hũ nhỏ và chất lên tàu chở đi.
Những con thuyền cũng rất thú vị bởi trên mũi thuyền có đặt các bàn thờ thần linh được sơn màu sặc sỡ, trên đó bày các đồ cúng gồm nhang, hoa và nến”(9).
Từ cuối thập niên XX đến đầu những năm 1930, Phan Thiết cũng được biết đến là chốn du lịch có tiếng và đã được tác giả Bát Long giới thiệu trong tập “Du lịch Trung kỳ”. Tập sách này do nhà in Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản năm 1930, tại Huế.
Để có chỗ cho du khách lưu trú, từ đầu thế kỷ XX, một vài khách sạn do người Việt làm chủ đã được xây dựng; trong đó nhà hàng, khách sạn (Hotel Trung kỳ) của ông Phạm Ngọc Bình được đánh giá là “khá to, phòng sạch sẽ và nấu ăn khéo”(10).
Thay lời kết luận
Như vậy, với vị thế là một trung tâm thương cảng quan trọng của tỉnh Bình Thuận, nên từ cuối thế kỷ XIX, Phan Thiết đã được người Pháp chú ý quy hoạch để trở thành 1 trong 6 thị xã đầu tiên ở Trung kỳ vào năm 1899, đến năm 1933 nâng lên thành phố.
Sự ra đời của đô thị Phan Thiết một mặt đáp ứng mục đích nâng cao lợi ích kinh tế, xác lập vị thế đầu mối chính trị, văn hóa, giáo dục, đời sống của thực dân Pháp tại Bình Thuận. Mặt khác, phản ảnh khách quan trình độ phát triển của nền kinh tế-xã hội và quá trình tập trung dân cư ở Phan Thiết. Cùng với Phan Thiết, ngày 15/11/1911, Phan Rí cũng được nâng lên thành thị xã, nhưng sau đó Toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định xóa bỏ thị xã này vào ngày 18/2/1916.
(1): Đô thị thời cận đại được người Pháp quy hoạch theo mô hình hiện đại, mới so với thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
(2): Camille Paris. Du ký Trung kỳ theo đường cái quan. Hồng Đức: 2021, tr. 300-303.
(3): Paul Doumer. Xứ Đông Dương. Thế giới: 2019, tr.367.
(4): UBND tỉnh Bình Thuận. Địa chí Bình Thuận. Sở VHTT: 2006, tr.18. (5): Dẫn theo Nguyễn Quang Trung Tiến. “Quy hoạch và thiết lập đô thị ở miền Trung thời Pháp thuộc”. Thông tin Khoa học và Công nghệ (Huế), số 1-1997, tr.77.
(6): Dẫn theo Nguyễn Quang Trung Tiến. “Quy hoạch và thiết lập đô thị ở miền Trung thời Pháp thuộc”. Thông tin Khoa học và Công nghệ (Huế), số 2-1997, tr.73.
(7): Eugene Levadoux. Địa chí tỉnh Bình Thuận. Nha học chính Bình Thuận: 1935, tr.26-27. (8),(10): Nguyễn Thị Kiềm. “Dọc đường cuộc hành trình từ Nam ra Bắc”. Báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), số 265 ngày 8/11/1934, tr.9. Theo tác giả Lê Huân, Hotel Trung kỳ nằm ở khu vực Ngã bảy Phan Thiết và hiện nay là trung tâm giao dịch Mobifone, số 1 đường Nguyễn Văn Cừ.
(9): Robert Moore. “Dọc theo con đường cái quan của Đông Dương năm 1931”. National Geographic Magazine, số tháng 8/1931 – Dẫn theo Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông (ORDI).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.