Một nông dân Gia Lai nuôi sâu canxi thành công, cho gà ăn sâu, con nào cũng đẹp, thịt ngon
Một nông dân Gia Lai nuôi sâu canxi thành công, cho gà ăn sâu, con nào cũng đẹp, thịt ngon
Hoàng Lộc
Thứ năm, ngày 01/02/2024 12:51 PM (GMT+7)
Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, ông Lê Hùng Anh (66 tuổi, trú tại thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã học hỏi và áp dụng thành công mô hình nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho vật nuôi.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lê Hùng Anh cho biết, cách đây hơn 15 năm, ông đi thăm quan, học hỏi các mô hình kinh tế tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và có biết đến mô hình nuôi sâu canxi.
Thấy tò mò và nhận thấy có đủ nguồn lực (đất rộng, khí hậu phù hợp…) nên ông Anh bỏ 6 triệu đồng ban đầu để mua trứng sâu về nuôi thử mới mục đích làm thức ăn cho mô hình chăn nuôi. Thời điểm đó, chưa có tài liệu kỹ thuật nhiều nên ông chủ yếu nuôi theo hướng tận dụng phế phẩm là rau củ quả có sẵn nên ấu trùng bị chết hàng loạt.
Không nản chí, ông Anh cũng đi khắp các vùng miền và học hỏi thêm các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và tự mày mò, nghiên cứu tài liệu trên các trang mạng Internet.
Sau quá trình tự học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, khoảng 1 năm sau, ông Anh bắt đầu làm lại và phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Tận dụng phần chuồng trại trống khoảng 240m2, ông Anh nuôi khoảng 200 gram trứng. Thời gian nuôi kéo dài từ 15-20 ngày. Trung bình khoảng 100 gram trứng sẽ được thu được 2,5 tạ sâu canxi dùng làm thức ăn cho chăn nuôi.
"Sâu canxi hay người ta thường gọi là ấu trùng của ruồi lính đen. Gọi là sâu canxi bởi đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều can-xi.
Loại ấu trùng này chứa nhiều canxi, đam axit béo và là thức ăn sống tốt nhất cho các loài động vật như heo, gà, vịt. Từ đó, nhằm tăng sức đề kháng, giảm dịch bệnh ở trong các loài động vật.
Chính vì vậy, người nông dân hay lựa chọn nguồn thức ăn này để làm thức ăn vật nuôi, nhằm giảm chi phí chăn nuôi, mang lại lợi nhuận cao", ông Anh chia sẻ.
Theo ông Anh, sâu canxi rất dễ nuôi, không tốn quá nhiều diện tích và chi phí nuôi cực thấp và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nguồn thức ăn của sâu canxi đó là phân động vật; cái loại rau, củ, trái cây bị hư thối; các phế phẩm công nghiệp như bã gạo, bã đậu nành…
Hiện nay, gia đình ông Anh cũng đang nuôi trên 1.000 con gà. Thay vì tốn nhiều chi phí mua lúa, gạo, cám công nghiệp thì ông cho gà ăn sâu canxi.
Nhờ đó mà gà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt gà thơm ngon hơn. Giá bán tại vườn là 150 ngàn đồng/kg gà lông là 250 ngàn đồng/kg gà ủ muối và được các thương lái khắp các tỉnh thành cả nước thu mua. Mỗi tháng gia đình ông thu nhập hàng chục triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí.
Ông Anh còn cho biết thêm, bên cạnh làm thức ăn chăn nuôi, ông còn làm ra phân sâu canxi để bón cho vườn cà phê của gia đình.
"Phân sâu canxi còn là loại phân hữu cơ. Chúng khá sạch, rất ít hoặc không có mùi hôi. Loại phân này giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi phát triển.
Nguồn phân sâu canxi giúp ông tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất và giải quyết được mùi hôi từ việc nuôi bò. Đây cũng là cách tôi đang làm nông nghiệp sạch, giảm tải ô nhiễm môi trường", ông Anh lý giải.
Vừa qua, mô hình nuôi sâu canxi của ông Lê Hùng Anh cũng được hàng trăm hội viên nông dân ở thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đến tham quan, học hỏi.
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ "Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại tỉnh Gia Lai từ ngày 1/7/2022-21/12/2024.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng cho biết, mô hình nuôi sâu canxi được ông Lê Hùng Anh thực hiện từ lâu và đạt hiệu quả rõ rệt. Đạt được kết quả đó là nhờ ông Anh ham học hỏi và không ngại khó khăn.
Theo ông Dư, đối với "Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" thì trên địa bàn xã có 18 hộ hội viên nông dân tham gia mô hình nuôi sâu canxi. Hơn 2 tháng đã trôi qua, đa số các hộ tham gia mô hình đã đạt kết quả tốt.
"Sau khi được trang bị kiến thức, tập huấn kỹ thuật, người dân đã thay đổi nhận thức, thói quen tropng việc tận dụng phụ phẩm làm thức ăn cho vật nuôi, làm phân bón hữu cơ. Điều này không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường.
Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con, những hội viên nông dân học hỏi mô hình để nhân rộng cho bà con nuôi góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đặc biệt là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người", ông Dư thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.