Một tổ chức bất ngờ dự đoán, lạm phát cuối năm sẽ giảm
ADB: "Lạm phát cuối năm sẽ giảm"
An Linh
Thứ tư, ngày 25/09/2024 14:24 PM (GMT+7)
Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại báo cáo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam vừa được công bố hôm nay 25/9.
Theo ADB, dự báo lạm phát của Việt Nam trong báo cáo tháng 4/2024 được giữ nguyên trong hai năm 2024 và 2025, trong đó ADB nhận định, dù lạm phát tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2024 song mức lạm phát vẫn ở mức 4,0% cho cả năm 2024 và 2025.
Tổ chức này khẳng định, các yếu tố như tăng lương và điều chỉnh giá có sự kiểm soát của chính phủ dự kiến sẽ đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nới lỏng tiền tệ sẽ giúp giảm bớt một số áp lực lên lạm phát.
Đến cuối tháng 8 năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát trung bình trong 8 tháng đầu năm là 4,0%, cao hơn mức 3,1% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây dự đoán, lạm phát dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024, bất chấp việc tăng lương cơ bản có hiệu lực vào tháng 7.
Báo cáo cũng cho thấy, nền kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,4%, gần gấp đôi mức 3,7% của năm trước. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% so với mức 1,1% cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi trong các lĩnh vực như cao su, sản phẩm kim loại, thiết bị điện, điện tử và máy tính đã thúc đẩy sản xuất tăng 8,7% so với mức thấp 0,4% của năm trước. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,6%, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Nông nghiệp hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn, duy trì mức tăng trưởng ổn định 3,4%.
ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt mức 6,0% vào năm 2024, sau đó tiếp tục cải thiện lên 6,2% trong năm 2025, lạm phát dự báo cũng tăng nhẹ lên 4,0% trong cả hai năm.
Các yếu tố chính tác động đến nền kinh tế là kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tác động liên tục từ xung đột Nga – Ucraine, bất ổn ở Trung Đông và những lo ngại về an ninh ở Biển Đỏ.
Về phía cầu, sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại đã hỗ trợ tăng trưởng. Kim ngạch thương mại phục hồi nhanh chóng, xuất khẩu tăng 14,5% so với năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng 17%, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 11,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, thặng dư này chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp khoảng 24 tỉ USD, trong khi khu vực trong nước có mức thâm hụt thương mại 12,3 tỉ USD. Nhu cầu trong nước phục hồi chậm, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,8% với việc tiếp tục các chương trình hỗ trợ tài khóa, gồm cả việc gia hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Đầu tư được cải thiện trong nửa đầu năm 2024, tổng tích lũy tài sản tăng 6,7% so với mức giảm 0,1% một năm trước đó.
Theo ADB, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024. Giải ngân FDI tăng lên 10,8 tỉ USD, cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm trước; đây là mức giải ngân nửa đầu năm cao nhất trong 5 năm qua. Trong cùng kỳ, tổng vốn FDI đăng ký đạt 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với một năm trước. Trong đó, 71.6% tổng số vốn tập trung vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo, đặc biệt là ngành điện tử, trong khi khoảng 20% tổng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.