Một trường ở TP.HCM phân loại rác, nói không với chất nhựa dùng 1 lần, không gian học hòa với thiên nhiên
Một trường ở TP.HCM phân loại rác, nói không với chất nhựa dùng 1 lần, không gian học hòa với thiên nhiên
Tào Nga
Thứ ba, ngày 31/12/2024 19:15 PM (GMT+7)
Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đặc biệt là của các thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục dẫn dắt xã hội trong tương lai".
Nhằm tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đại học xanh giai đoạn 2019-2024, qua đó tiếp tục triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2029, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ tổng kết vào ngày 31/12.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động xanh, GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: "Chúng ta đã bắt đầu hành trình này bằng việc nâng cao nhận thức xanh – không chỉ của giảng viên, cán bộ nhân viên mà còn của mỗi sinh viên trong Trường. Chúng ta hiểu rằng, bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đặc biệt là của các thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục dẫn dắt xã hội trong tương lai".
Chương trình Đại học Xanh do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM triển khai là môi trường để viên chức, người lao động, người học của Trường nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng và phát triển môi trường học đường, xây dựng lối sống văn minh. Chuỗi hoạt động cũng tạo cơ hội để nâng cao chất lượng môi trường đại học, góp phần giáo dục định hướng, nâng cao nhận thức cho toàn thể người học. Các giai đoạn thực hiện cụ thể theo năm học là: giai đoạn 1 (2018-2022) – Nhận thức xanh; giai đoạn 2 (2022-2026) – Hành động xanh; giai đoạn 3 (2026-2030) – Văn hóa xanh.
Đến nay, Chương trình đã hoàn thành giai đoạn 1 "Nhận thức xanh (2019-2022)", đang tích cực thực hiện giai đoạn 2 "Hành động xanh (2022-2026)" với các giải pháp bền vững như hoạt động truyền thông, các phong trào thi đua, các chương trình hành động tuyên truyền bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, bố trí cảnh quan, tạo không gian học tập hiện đại, tiện nghi, hòa nhập với thiên nhiên; phân loại rác, hạn chế và nói không với chất nhựa dùng một lần (dùng các bình thủy tinh đựng nước thay thế cho các chai nhựa trong các cuộc họp, vận động tài trợ bình nhựa dùng nhiều lần để phát cho cán bộ giảng viên, áp dụng các chính sách khuyến khích hạn chế dùng ly nhựa hay chai nhựa dùng một lần tại các canteen của trường); thực hiện tiết kiệm điện, nước hướng tới dùng năng lượng tái tạo thay thế trong tương lai…
Sau 5 năm thực hiện, Mô hình Đại học xanh đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, là một mô hình gợi ý cho các trường đại học tham khảo và áp dụng. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng góp vào việc tạo dựng một cộng đồng học thuật có trách nhiệm với môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.