Từ clip “hỏi học sinh câu chuyện nghịch cảnh lấy nước mắt”: Giáo dục hay thao túng cảm xúc?

Tào Nga Thứ ba, ngày 31/12/2024 07:07 AM (GMT+7)
Mới đây, clip "xử lý học sinh cá biệt" đang nhận được sự quan tâm của dư luận khi một chuyên gia hỏi hoàn cảnh của một nam sinh trước toàn trường và lồng ghép câu chuyện giáo dục vào trong đó. Đây cũng không phải là trường hợp hy hữu. Nhiều chuyên gia mổ xẻ liên quan đến vấn đề này.
Bình luận 0

Khơi gợi đồng cảm nhưng cũng dễ dàng biến thành áp lực cảm xúc

Mới đây, một clip 3 phút quay lại cảnh Sinh hoạt dưới cờ với chủ đề "Giá trị yêu thương" diễn ra tại một trường học đã nhận được nhiều chia sẻ trên mạng.

Cụ thể, một người phụ nữ (được chia sẻ là một báo cáo viên) đã đứng trên bục ở sân trường hỏi một nam sinh mấy câu như "Ngày sinh của mẹ con chắc con cũng không nhớ? Bố con thích ăn gì nhất? Con biết vì sao cô mời con lên đây rồi chứ? Có thể cô hỏi câu này khiến con rất đau lòng, con có thể không trả lời cô cũng được. Bố con mất bao lâu rồi? Năm con bao nhiêu tuổi? Mình mẹ của con nuôi mấy anh em?".Sau đó người này giảng giải cho nam sinh: "Mình thiệt thòi hơn các bạn khác. Mẹ mình vất vả hơn những người mẹ khác vì vừa làm mẹ vừa làm bố. Cô nghĩ con hãy cố gắng làm điểm tựa cho mẹ. Bố không ở bên con nhưng vẫn dõi theo con. Con hãy cố gắng sống tử tế hơn vì điều đó. Các bạn dành cho em ấy một tràng pháo tay"…

Chuyên gia tiếp tục có ý kiến nhiều chiều về clip này.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Nguyễn Thuỵ Uyên Phương, Giám đốc quốc gia của phong trào trẻ em thế giới Design for Change, người đưa mô hình "Trường học kiến tạo" về Việt Nam, nêu ý kiến: "Để học sinh rơi nước mắt, thật ra không khó. Có thể chiếu một video bi thương, kể một câu chuyện nghịch cảnh mà chính diễn giả hay nhân vật nào đó đã trải qua hoặc đặt các em vào một tình huống tưởng tượng có liên quan đến những nỗi sợ hoặc lo lắng thầm kín ở lứa tuổi đó. Kỹ thuật này, có tên là emotional triggering (kích hoạt cảm xúc). Học sinh càng nhỏ, càng ít trải nghiệm thì càng dễ kích hoạt cái công tắc cảm xúc này lên. Nhưng hậu quả của việc lạm dụng điều này là gì?

Từ clip “hỏi học sinh câu chuyện nghịch cảnh lấy nước mắt”: Giáo dục hay thao túng cảm xúc?- Ảnh 1.

Hai vụ việc lấy nước mắt của học sinh và dư luận được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: CMH

Những câu chuyện bi thương, những hình ảnh đau lòng có thể khơi gợi sự đồng cảm nhưng chúng cũng dễ dàng biến thành áp lực cảm xúc. Tức là, khiến học sinh khóc vì cảm thấy mình được kỳ vọng phải rơi lệ trong hoàn cảnh đấy, nếu không thì sẽ bị xem là "vô cảm". Một số em khác, thì nước mắt rơi là thật, nhưng khi cơn sóng cảm xúc đi qua, các em có thể thấy bất an và hoang mang. Sao lúc đấy mình lại thế nhỉ? Vậy tiếp theo mình nên làm cái gì bây giờ?…

Kích hoạt cảm xúc lên một cách nhất thời chứa đựng những mặt trái đầy rủi to, nếu không đi kèm với việc dẫn dắt học sinh đến những kế hoạch hành động ý nghĩa và những thay đổi lâu dài. Học sinh có thể dần bị chai lì cảm xúc và mất dần niềm tin vào những điều tốt đẹp sau vài lần khóc lóc. Vì cứ bước ra khỏi hội trường là mọi thứ quay lại như cũ, có gì thay đổi đâu, vậy những thứ tôi vừa được nghe phải chăng toàn là "đạo đức giả" và chỉ để nghe cho hay thôi! Những em tinh khôn hơn, khi nhận ra rằng cảm xúc có thể bị chơi đùa, thậm chí sẽ học chính cái kỹ thuật ấy mà thao túng những người xung quanh mình".

Từ clip “hỏi học sinh câu chuyện nghịch cảnh lấy nước mắt”: Giáo dục hay thao túng cảm xúc?- Ảnh 2.

Bà Nguyễn THụy Uyên Phương, Giám đốc quốc gia của phong trào trẻ em thế giới Design for Change, người đưa mô hình "Trường học kiến tạo" về Việt Nam. Ảnh: NVCC

Từ đó, bà Uyên Phương cho rằng: "Là người làm giáo dục, chúng ta cần tự hỏi: Giáo dục cảm xúc hay đạo đức có nhất thiết cần đến cần nước mắt không? Những giọt nước mắt có thể làm đẹp thêm câu chuyện giáo dục trong ngắn hạn nhưng chúng ta không thể dùng cảm xúc để thay thế cho mục tiêu cốt lõi là giúp học sinh hiểu và hành động có ý thức.

Giáo dục cảm xúc đích thực rất khác với một chương trình "biểu diễn cảm xúc". Giáo dục cảm xúc không chỉ là lay động con tim, mà còn là nuôi dưỡng trí tuệ và ý chí để có thể vững vàng với hành trình làm người. Hãy thận trọng khi chơi đùa với cảm xúc của trẻ bởi đằng sau những đôi mắt đỏ hoe có thể là một tâm hồn đang chới với. Và khi đó, chúng ta đã thất bại với chính trách nhiệm giáo dục của mình".

Hãy thận trọng trước những hoạt động kiểu thao túng tâm lý 

Chung quan điểm, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, cho biết: "Khi một đứa con trong gia đình gây ra một lỗi lầm, một số phụ huynh thay vì trừng phạt, lại dung khả năng thuyết giảng của mình để nói về nỗi khổ đau hay xấu hổ của ba mẹ khi có một đứa con hư hỏng, nói về những phê phán của mọi người hay có khi tìm những lời lẽ làm cho đứa trẻ cảm thấy sự hèn kém và tội lỗi của mình... Thế rồi, những ngọn roi cảm xúc đó được nâng lên một tầm cao mới khi bước vào trong môi trường giáo dục, để biến thành những câu chuyện giáo dục thấm đầy nước mắt.

Kể từ khi các hoạt động gọi là giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường được tổ chức với hình thức thuyết giảng dưới sân trường, trước hàng trăm hàng nghìn học sinh, khả năng của người truyền giảng được đánh giá qua việc có thể làm cho các em cười rũ rượi hay giàn giụa nước mắt. Đã có không ít các chuyên gia nổi tiếng với những câu chuyện về lòng hiếu thảo, về công ơn trời biển của cha mẹ hay về những mẩu chuyện thương tâm, khiến cho hoạt động giảng dạy về kỹ năng sống mà tưởng như đang đi xem một vở bi kịch.

Từ clip “hỏi học sinh câu chuyện nghịch cảnh lấy nước mắt”: Giáo dục hay thao túng cảm xúc?- Ảnh 3.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh. Ảnh: NVCC

Thậm chí có những hiệu trưởng, không ngần ngại lôi ra trước sân trường một em học sinh cá biệt, soi trên những nỗi đau của em về gia đình, phơi trần con người đáng thương của em khi vi phạm những nguyên tắc về đạo đức và làm cho cả trường rơi nước mắt… Những hoạt động đó dường như lại được ngợi khen như một bài học đắt giá về đạo đức dành cho các học sinh ở lứa tuổi vị thành niên.

Họ cho rằng khi tổ chức những hoạt động làm cho học sinh nức nở như thế, là đã gieo được vào trong tâm hồn các em những giá trị sống cao đẹp mà những bài học hay khẩu hiệu khô khan không làm được. Nhưng thực ra, chính những hoạt động gọi là giáo dục kỹ năng sống, xây dựng cảm xúc nơi các em kiểu đó lại đi ngược lại với chính các mục tiêu về kỹ năng sống, về những giá trị sống cần thiết phải được nuôi dưỡng nơi trẻ em".

Chuyên gia Lê Khanh khẳng định: "Trẻ em không cần phải được dẫn dụ bằng những bài diễn thuyết với thủ thuật lấy nước mắt mà các em cần có những tấm gương cụ thể, những hành động thiết thực được vận dụng trong cuộc sống hang ngày. Với người lớn hay những người đã trưởng thành, một lời khuyên sâu sắc, những định hướng đúng đắn có thể làm thay đổi phần nào nhận thức, tư duy và có thể giúp cho họ có những cách nhìn hay quyết định tích cực hơn. Bởi vì người lớn khác với trẻ em là đã có được lý trí phân biệt đúng sai và cái ý chí để quyết tâm biến nhận thức thành hành động. Còn trẻ em (các bạn trẻ dưới 18 tuổi) chưa có đủ điều đó.

Những người chưa trưởng thành và trẻ em, các trò thao túng tâm lý bằng các câu chuyện thương tâm này có thể gây ra những nỗi lo lắng, hoang mang về những điều mình đã nghĩ, đã làm và sẽ làm cho mình mất đi sự tự tin vốn đã mong manh trước những thách thức cuộc đời. Tệ hơn nữa, các em có thể khóc đó, có thể lặng người đi về cảm xúc đó, nhưng sau đó thì các em lại vui vẻ nói cười với nhau, thậm chí còn có thể trêu chọc những bạn đã lỡ sụt sùi quá mức… Cũng chính điều đó làm cho sự đồng cảm và các giá trị sống của các em sẽ bị tổn thương và có thể sẽ bị khô cứng cảm xúc trước các hoàn cảnh thực sự là đáng thương trong cuộc sống. Các em xem những điều đó cũng giống như đang nghe một câu chuyện hay xem một vở bi kịch.

Liệu những người chuyên gia, những hiệu trưởng, những nhà giáo dục... sau khi đã lấy được nước mắt của trẻ em, có sống thực với những gì đã lớn giọng khuyên bảo các em hay không? Hay chính họ trong cuộc sống cũng vô cảm trước các nỗi đau của người khác và thản nhiên vi phạm những giá trị đạo đức? Cũng không phải là không có các nhà giáo dục đích thực, các thầy cô sống với những tấm gương của chính mình hay vẫn hàng ngày lặng lẽ làm công việc truyền tải kiến thức một cách chân thành, nhiệt huyết… Họ sống và hành động với các cảm xúc tích cực và các giá trị sống đạo đức đích thực trong chính cuộc sống hàng ngày của mình.

Là bố mẹ, là những người có trách nhiệm hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ em, cùng con cái … hãy thận trọng trước những hoạt động kiểu thao túng tâm lý này để có thể giúp cho các em còn có được sự tự tin khi bước vào đời".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem