Chiều 5.5, luật sư Hà Hải – Đoàn luật sư TP.HCM, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi) (người ve chai nhặt được 5 triệu yen trong chiếc loa thùng cũ) đã cùng thân chủ đến Công an quận Tân Bình làm việc.
Tại cơ quan công an, luật sư Hải đã trình bày nhận lại số tiền 5 triệu yen.
Phía công an quận Tân Bình cho rằng vụ việc đang bị vướng 2 vấn đề: có dấu hiệu tranh chấp dân sự và công an phải xác minh đơn của bà Phạm Thị Ngọt (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), người cho rằng 5 triệu yen trong chiếc loa thùng cũ chị Hồng mua được có thể của chồng bà. Vì vậy chưa thể trả lại.
Chờ đợi 1 năm sau ngày giao nộp số tiền trong chiếc loa thùng cũ, chị ve chai Ánh Hồng không nhận được tiền do ở “phút 89”, bà Ngọt làm đơn nói có thể đó là số tiền của chồng bà
Theo dự kiến, khoảng 1 tuần nữa sau khi có kết quả xác minh và xin ý kiến lãnh đạo, Công an quận Tân Bình sẽ có văn bản trả lời cụ thể về vụ 5 triệu yen.
Trước đó, khi chị Hồng ve chai chuẩn bị nhận lại số tiền 5 triệu yen trong chiếc loa thùng cũ chị mua được (đã giao nộp công an hơn 1 năm trước), bà Phạm Thị Ngọt có đơn gửi công an quận Tân Bình, cho rằng có thể số tiền đó là của chồng bà, ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi).
“Khoảng 1 tuần nữa công an sau khi xác minh sẽ có văn bản trả lời về vụ việc 5 triệu yen. Lúc đó, tôi chính thức biết mình có được nhận lại số tiền đó hay không”, chị Hồng ve chai nói.
Bà Ngọt cho biết: Trước khi đến với bà, ông Afolayan Caleb có thời gian giảng dạy tiếng Anh ở Nhật. Đến năm 2009, ông sang Việt Nam du lịch và dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. Thời gian này bà quen và kết hôn với ông Afolayan Caleb.
“Lúc ở nhà trọ có thấy anh Afolayan Caleb có 3 cái loa thùng. Anh cũng hay nói có để dành được số tiền 6 triệu yen trong thời gian giảng dạy bên Nhật nhưng giờ không biết cất ở đâu. Sau đó, anh Afolayan Caleb về nước và ở luôn bên đó để chăm sóc mẹ già”, bà Ngọc cho hay.
Về phần mình, bà Ngọt sau khi chuyển trọ đã cho 3 chiếc loa cho ông Phạm Đức Hòa (anh họ bà Ngọt, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM). Do không sử dụng được nên tháng 10.2013, ông Hòa bán 3 chiếc loa cho người phụ nữ đi xe đạp mua ve chai với giá 10.000đ.
“Hiện anh Afolayan Caleb đang ở quê chăm sóc mẹ già nên chưa thể qua Việt Nam để giải quyết sự việc. Nếu bệnh tình mẹ khỏe, anh ấy sẽ sang đây cùng tôi xin nhận lại số tiền. Còn không, anh ấy sẽ ủy quyền cho tôi”, bà Ngọt cho biết.
Cũng theo bà Ngọt, hiện bà đang liên hệ với những người bạn của chồng làm việc bên Nhật xác minh chồng bà ông Afolayan Caleb từng làm việc ở trường và nguồn gốc số tiền có được. Ngoài ra, ông Caleb cũng đang xin dấu của cơ quan chức năng, các giấy tờ với lãnh sự quán Việt Nam tại đây, để chứng minh quan hệ vợ chồng bà là hợp pháp.
Luật sư Hải cho biết: “Đến thời điểm hiện tại bà Ngọt vẫn chưa đưa giấy tờ hay bằng chứng chứng minh số tiền 5 triệu yen trong chiếc loa thùng đó là của chồng bà. Bà Ngọt muốn thay mặt chồng giải quyết vụ việc thì phải có giấy ủy quyền hoặc giấy chứng nhận kết hôn. Phía công an quận Tân Bình họ vẫn chưa nhận được giấy tờ chứng nhận nào của bà Ngọt”.
Cũng theo luật sư Hải, vụ việc 5 triệu yen không có dấu hiệu tranh chấp dân sự nên cơ quan Công an quận Tân Bình là đơn vị thụ lý vụ việc, xác minh theo đúng quy định của pháp luật.
Hằng ngày, chị Hồng vẫn đẩy xe rong ruổi khắp các tuyến đường để mua ve chai mưu sinh.
Trước đó, vào cuối tháng 3.2014 vợ chồng chị Hồng mang chiếc loa thùng cũ mua được trước đó ra nhà trọ ở đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình) đập để lấy sắt, đồng. Chồng chị Hồng phát hiện bên trong loa thùng có một hộp gỗ dài.
Khi chiếc hộp được mở, vài tờ tiền bay ra ngoài. Ban đầu, vợ chồng chị Hồng tưởng tiền âm phủ nên không để ý. Về sau mới biết đó là tiền Nhật.
Tin về vợ chồng ve chai trung “kho báu” lan nhanh, nhiều thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trỗ đầy người tìm đến xin vài tờ tiền “làm kỷ niệm”. Có người đòi chia đôi số tiền.
Quá hoảng sợ vợ chồng chị Hồng đã giao nộp toàn bộ số tiền cho công an quận Tân Bình quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.