Một xã của tỉnh Hòa Bình có 50 lương y, người dân giàu có, sung túc nhờ phát huy giá trị đa dụng của rừng

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 29/07/2023 11:55 AM (GMT+7)
Tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người dân vùng đệm ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Thực tế ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, người dân vùng đệm đã có cuộc sống giàu có nhờ phát huy các giá trị đa dụng của rừng.
Bình luận 0

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm, giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững

Tại Tọa đàm bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 29/7/2023, chia sẻ về những giá trị đa dụng mà rừng mang lại cho cộng đồng dân cư, ông Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) nêu quan điểm, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế thì rừng cũng được bảo vệ và phát triển. 

Ông Diệp cho biết, là xã nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, thời gian qua, xã Yên Trị tập trung phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương làm đa dạng sinh học ở vùng đệm, cụ thể là bảo tồn cây xạ đen có nguồn gốc từ vườn.

"Xã Yên Trị chỉ rộng 2km2, có 13 thôn, 8.000 dân nhưng có tới 50 lương y, trong đó có 1 lương y tiêu biểu toàn quốc", ông Diệp cho biết.

Cũng theo ông Diệp, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, khai thác nguồn dược liệu dưới tán rừng, 4 thôn thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương rất giàu có, nhà cửa khang trang, đều được hưởng lợi ích từ rừng mang lại.

Là địa phương có cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Ngân Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho biết, xã Môn Sơn có 237 hộ, 987 nhân khẩu là người dân tộc Đan Lai nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Do cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, sinh kế chủ yếu là tận dụng tài nguyên rừng để khai thác, xâm lấn đất rừng để trồng các loại cây để tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ thực tế đó, ông Trường đề xuất, cấp có thẩm quyền sớm giao đất, giao rừng cho các hộ dân để bà con có đất sản xuất, phát triển kinh tế; quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh tế để xây dựng các mô hình sinh kế cho các hộ dân sống gần rừng, nhất là đồng bào Đan Lai sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát.

Một xã của tỉnh Hòa Bình có 50 lương y, người dân giàu có, sung túc nhờ phát huy giá trị đa dụng của rừng - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 29/7/2023. Ảnh: Công Minh.

Người dân là trung tâm trong phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Báo cáo tại Tọa đàm, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Việt Nam có hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với diện tích 14,74 triệu hecta (trong đó rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha, rừng sản xuất 4,57 triệu ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% và có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng.

"Hệ sinh thái rừng Việt Nam mang lại những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nhờ cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ (năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt tới 17 tỷ USD, cả nước hiện có 16.000 cơ sở chế biến gỗ; 300 làng nghề gỗ), cung cấp lâm sản ngoài gỗ, là tiềm năng phát triển du lịch, thu dịch vụ môi trường rừng và hấp thụ và lưu giữ các bon rừng", ông Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bảo, khai thác các giá trị du lịch một cách bền vững đang là hướng đi rất hiệu quả tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, từ đó phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống gần rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên thiên. 

Theo khảo sát, năm 2022, đã có 3,1 triệu lượt khách đến tham quan tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mang lại 310 tỷ đồng. Nhiều vườn quốc gia cũng phối hợp với cộng đồng cư dân bản địa sống gần rừng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng.

Ví dụ, Vườn quốc gia Pù Mát có 3 điểm du lịch cộng đồng tại vùng đệm, tạo việc làm cho 200 lao động, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng. 

Ở Vườn quốc gia Cúc Phương, cộng đồng dân tộc Mường thu hút 100-150 người tham gia làm du lịch sinh thái với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch sinh thái cùng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) lên đến 440 - 520 người, thu nhập bình quân 12-15 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vậy, theo ông Bảo, việc phát huy các giá trị sinh thái của rừng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, năng suất, chất lượng gỗ chưa cao; việc tổ chức sản xuất theo chuỗi còn khó khăn; chưa có quy định về sở hữu, đo đếm các-bon rừng; mức thu dịch vụ môi trường rừng còn chưa tương xứng với giá trị mang lại, còn thiếu đối tượng,…

Một xã của tỉnh Hòa Bình có 50 lương y, người dân giàu có, sung túc nhờ phát huy giá trị đa dụng của rừng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc tại tọa đàm. Ảnh: P.V

Để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ, nâng cao giá trị đa dạng của rừng, ông Bảo cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng "Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2023 nhằm mục tiêu phát huy các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng theo vùng, đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế - môi trường – xã hội, chú trọng nâng cao thu nhập của người làm nghề rừng.

"Mục tiêu của đề án là phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng; xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế; đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, chủ rừng và toàn xã hội, trong đó đặt người dân là trung tâm trong phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững cho ngành công nghiệp chế biến như phát triển rừng gỗ lớn, thúc đẩy phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng, thí điểm thuê môi trường rừng trồng lâm sản ngoài gỗ là dược liệu nhưng sẽ được quản lý một cách chặt chẽ; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các-bon", ông Bảo nói.

Một xã của tỉnh Hòa Bình có 50 lương y, người dân giàu có, sung túc nhờ phát huy giá trị đa dụng của rừng - Ảnh 3.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) báo cáo đề dẫn về phát huy giá trị đa dụng của rừng. Ảnh: Công Minh.

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương, ngành chức năng cần tạo sinh kế cho đồng bào các vùng đệm, làm sao để đồng bào sống được ở khu vực đó, tạo điều kiện cải thiện thu nhập từ đó bà con có ý thức giữ gìn, bảo vệ, phát triển rừng.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, cần huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, trồng rừng để khai thác nhiều hơn các giá trị của rừng, của các loài lâm sản ngoài gỗ. 

"Chỉ tính riêng các loài dược liệu, Việt Nam có hơn 8.000 loài có giá trị nhưng đến nay mới có khoảng 100 loài được đưa vào sản xuất kinh doanh, đây là kho báu quý, cần có sự phối hợp của các ngành chức năng để khai thác hiệu quả", ông Điển nói.

Một xã của tỉnh Hòa Bình có 50 lương y, người dân giàu có, sung túc nhờ phát huy giá trị đa dụng của rừng - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tặng cây giống cho cộng đồng dân cư sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: K.N.

Từ thực tế công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Nghệ An, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An cho rằng, các vườn quốc gia với sự đa dạng và độc đáo về hệ sinh thái tự nhiên là vốn quý nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, tới mức hệ sinh thái tự nhiên có thể mất đi chức năng nuôi dưỡng, điều hòa cân bằng sự sống của muôn loài, trong đó có con người. Đó là vấn đề chúng ta không thể thờ ơ vì sự sinh tồn không chỉ ở hiện tại mà còn vì các thế hệ mai sau.

"Trước mắt chúng ta đang là sự xung đột sâu sắc  giữa các mục tiêu lớn: Phát triển rồi bảo vệ vệ tự nhiên, việc chăm lo đời sống thường nhất của người dân trên địa bàn, việc đảm bảo một sự ổn định lâu dài cho khu vực, xung đột giữa trách nhiệm bảo vệ ngôi  nhà chung là thiên nhiên với công bằng xã hội cho các cộng đồng dân cư sống ở các vùng miền khác nhau", ông Thông nói.

Theo ông Hà Công Tuấn, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT, hấp thụ, lưu giữ các-bon sẽ mang lại nguồn thu lớn trong tương lai gần, do vậy, cần sớm sửa đổi các quy định trong thu dịch vụ môi trường rừng để có thể sớm triển khai dịch vụ này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng hứa hẹn mở ra kho báu từ rừng. "Kho báu lớn nhất không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết, chính là tư duy mở: cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng, để rừng mãi xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng hoàn thiện Đề án về phát triển giá trị đa dụng của rừng; sửa đổi, điều chỉnh những rào cản của thể chế đang làm giới hạn phát triển giá trị đa dụng của rừng; có cách tiếp cận mới hơn, xa hơn về giá trị đa dụng của rừng, trong đó coi trọng giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư; thu hút sợ tham gia của các chủ thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị đa dụng của rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem