Làng người Cơ Tu ở Đà Nẵng đẹp như phim, dân đang “hái ra tiền" nhờ làm du lịch cộng đồng
Làm du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hoá, người Cơ Tu ở Đà Nẵng đang “hái ra tiền", làng đẹp như phim
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Chủ nhật, ngày 04/06/2023 05:02 AM (GMT+7)
Nằm ở thượng nguồn sông Cu Đê, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 30km về phía Tây, hai thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hoà Bắc (huyện Hoà Vang) là nơi đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Người Cơ Tu ở Đà Nẵng đang ngày càng khá giả với cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hóa...
Nơi đây là vùng đệm giữa Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, đa dạng. Chính nhờ vẻ đẹp có sơn, có thủy đó đã tạo cho nơi đây chất thơ, chất tình, thu hút đông du khách đến vui chơi, trải nghiệm.
Giữ gìn bản sắc dân tộc Cơ Tu
Trên địa bàn TP.Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu sinh sống chủ yếu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú). Trong đó, 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí có hơn 250 hộ dân Cơ Tu sinh sống.
Đối với người đồng bào Cơ Tu, nhà Gươl là ngôi nhà chung của bản làng, nơi đây không chỉ là không gian sống động linh thiêng, mà còn được xem là linh hồn của làng. Ở đó, người ta thấy rõ tài năng của các nghệ nhân dân gian và những giá trị văn hóa đa chiều của người Cơ Tu.
Clip - Nhà Gươl nơi lưu giữ nét văn hoá dân tộc, người đồng bào Cơ Tu, xã Hoà Bắc (huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng).
Gươl là nơi thờ các vị thần linh dân gian, ông bà, tổ tiên của người Cơ Tu. Nhà Gươl là nơi lưu giữ những báu vật, của cải chung, nơi hội họp, lễ tục, biểu diễn các loại hình nghệ thuật, các trò chơi dân gian.
Theo Già làng ALăng Mỹ (64 tuổi, trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc), người Cơ Tu quan niệm nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Trong Gươl, mọi người không được đánh cãi nhau mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau vì sự tồn tại và phát triển giống nòi.
Trên mái nhà Gươl, phía hai đầu hồi có gắn tượng gà trống, tượng trưng cho loài vật đánh thức con người mỗi sớm mai. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây.
Nhà Gươl được xây theo kiểu nhà sàn, có 1 cột cái (cột bố) ở chính giữa và 8 cột con ở xung quanh, kết nối với nhau tạo thành hệ thống vững chắc. Cột cái đóng vai trò rất quan trọng, tượng trưng cho sóng lưng của già làng. Cột càng đẹp và to cao, càng thể hiện uy quyền của già làng và sức mạnh của làng đó.
Nhà Gươl hiện nay thay cột gỗ bằng cột bê tông và sơn giả gỗ. Người Cơ Tu quan niệm chim tring là sứ giả của Thần lúa, chỉ điểm cho họ tìm đất mới để canh tác, lập làng. Vì thế, trên thân cột cái có điêu khắc tượng hình đôi chim tring và gà trống, để thể hiện cái đẹp, sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, mong muốn phồn thực và cuộc sống hạnh phúc.
Trên các xà ngang có trang trí những họa tiết, hoa văn, hình ảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng như: chàng trai săn bắn, thiếu nữ múa tung tung da dá, múa cồng chiêng, giã gạo… giúp tô điểm nội thất ngôi nhà, thể hiện nét văn hoá đặc trưng của người Cơ Tu.
Đặc biệt, người Cơ Tu ngày xưa khi đi săn bắn thú rừng, sẽ mang sọ thú vật hoặc sọ trâu sau lễ tế về treo ở các vách, cột, xà ở nhà Gươl.
Bên trong nhà Gươl là nơi thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian Cơ Tu, với mong cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân làng gặp nhiều may mắn.
Chỉ tay về những bức tượng điêu khắc được treo ở tấm lan can, vách ngăn quanh nhà Gươl, ông ALăng Mỹ tự hào nói: "Đây là những tác phẩm điêu khắc do tôi làm ra, miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống. Tượng gỗ có thể đặt ở chính diện nhà, hai bên cửa ra vào hoặc ở phía trên xà ngang, xà dọc của nhà Gươl, với ý muốn xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng".
Trước sân nhà Gươl, người Cơ Tu dựng một cột lễ là trụ gỗ lớn, được chạm khắc, trang trí khá cầu kỳ gồm nhiều chi tiết, hoa văn, thể hiện nét văn hóa truyền thống và yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của dân tộc.
Cũng ngay giữa thân cột, đồng bào khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của sự no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trong đó, bộ phận quan trọng nhất là gương, được gắn đối xứng hai tấm gỗ mỏng có khắc hoạ tượng đôi chim tring, gà trống. Tượng trưng cho hai cánh tay của người phụ nữ Cơ Tu đang múa điệu tung tung da dá, dâng lên Thần lúa, Thần trời những gì họ làm ra.
Người Cơ Tu làm du lịch
Những tác phẩm điêu khắc cùng nền văn hóa lâu đời được lưu giữ trong ngôi nhà của cộng đồng, đã làm cho nhà Gươl trở thành một hình ảnh thân thuộc, gần gũi và là niềm tự hào của người Cơ Tu. Giúp cho các thế hệ con em dân tộc mai sau hiểu biết, kế thừa những giá trị văn hoá vật chất tinh thần của dân tộc mình.
Hiện nay, đồng bào Cơ Tu ở Hoà Bắc đã biết làm du lịch để phát triển kinh tế. Nơi đây thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu mát mẻ. Dừng chân dưới mái nhà Gươl, du khách được tìm hiểu về nền văn hoá dân tộc Cơ Tu lâu đời, thưởng thức ẩm thực Cơ Tu với những ống cơm lam, ché rượu cần, xiên thịt nướng, hoà mình trong điệu múa tung tung da dá, âm vang tiếng cồng chiêng….
Tỉnh lộ ĐT601 được tu sửa đã giúp lượng khách đến tham quan Tà Lang – Giàn Bí ngày một nhiều, dịch vụ lưu trú như homestay phát triển ổn định.
Các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc hình tượng gỗ và làm ra các sản phẩm bán kèm theo như: khăn thổ cẩm, chè dây, mật ong rừng, ớt xim rừng… được nhiều du khách mua về làm quà.
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm cắm trại bên dòng sông Cu Đê hiền hoà, tận hưởng không khí trong lành với vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng.
Anh ALăng Như – Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng thôn Tà Lang – Giàn Bí chia sẻ: "Tổ hợp tác đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm trong ngày và khôi phục một số nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc hình tượng gỗ để du khách được tìm hiểu, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống. Các dịch vụ ẩm thực, văn nghệ, trekking, homestay… được đầu tư bài bản để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, từ đó tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương".
Theo chị Bùi Thị Hạnh – Phó Bí thư thôn Giàn Bí, trước đây người dân tộc Cơ Tu ở địa phương chủ yếu làm nông và khai thác các sản phẩm từ rừng, làm rẫy, hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời, bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống đang mai một dần.
Nhưng nhờ có sự xuất hiện của du lịch đã thổi một làn gió mới về với buôn làng, đem lại lợi ích kép khi vừa tạo ra nguồn sinh kế mới, vừa tạo được cơ hội để đồng bào giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.