Ồ ạt nuôi cá sấu
Cá sấu được nuôi thương phẩm tại Định Quán, Đồng Nai từ lâu. Sản phẩm từ cá sấu chủ yếu là lấy da để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước và lấy thịt xuất khẩu, đặc biệt xuất sang thị trường Trung Quốc.
Giá cá sấu có lúc đạt tới trên 200.000 đồng/kg, trong khi không tốn quá nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn thuận lợi, ít dịch bệnh, chi phí bỏ ra chỉ khoảng 100.000đ/kg… Những năm đầu, nuôi cá sấu đã mang lại nguồn thu lớn cho các hộ chăn nuôi, trang trại.
Những người nuôi cá sấu ở Đồng Nai hiện gặp khó khăn về đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, quản lý trại nuôi cá sấu Cổ Hữu Tâm, ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, hiện đang nuôi gần 3.000 con cá sấu cho biết, do nuôi cá sấu có giá đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình một cách đáng kể.
Có lợi ích kinh tế nên tổng đàn cá sấu ở huyện Định Quán, nơi được coi là “thủ phủ” nuôi cá sấu của Đồng Nai ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2014 có khoảng 148 trại với hơn 94.000 con thì thời điểm hiện tại, số trang trại đã lên tới 316 trại với hơn 110.000 con. Nếu tính toàn tỉnh Đồng Nai thì con số này còn cao hơn nữa.
Nhiều băn khoăn
Dù mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ, song câu chuyện xung quanh con cá sấu nuôi vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Sau một thời gian bán được giá cao, năm 2016 giá cá sấu bất ngờ sụt giảm thê thảm, chỉ còn dưới 50.000 đồng/kg, giá bán không bằng một nửa giá thành, người nuôi lỗ nặng. Nhiều người “cắn răng” giữ lại không xuất bán… chờ thời cơ. Thế nhưng, cá sấu càng lớn càng khó bán, hoặc bán được thì giá cũng rất rẻ. Để cắt giảm chi phí, nhiều trại nuôi chỉ cho ăn cầm chừng, với cá sấu quá lứa (trên 25kg) có khi phải 2 tuần mới cho ăn một lần.
Việc đảm bảo an toàn khi nuôi nhốt cá sấu cũng là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
Ngoài thị trường trong nước, số lượng tiêu thụ không nhiều, chủ yếu là cá loại nhỏ lấy da dùng trong ngành thời trang, như: sản xuất ví da, dây lưng, đồ lưu niệm…, phần lớn cá sấu nuôi được xuất đi Trung Quốc. Bị phụ thuộc đầu ra, giá cả bấp bênh, không ai dám chắc giá cả sẽ đi lên hay lại quay đầu giảm.
Bà Lại Thị Hương, người nuôi cũng là thương lái thu mua cá sấu ở ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cho biết: "Đầu ra cá sấu đều phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Nếu họ trả giá cao thì bà con phấn khởi, nếu trả giá thấp thì lợi nhuận thu được sẽ giảm đi".
Từ đầu năm 2018 tới nay, giá cá sấu đã hồi phục trở lại và đạt mức khoảng 140.000 đồng/kg loại 1, cá sấu loại 2 (từ 15kg/con trở lên) cũng tăng lên mức 110.000 đồng/kg, cá sấu loại 3 (tức cá sấu quá lứa, trên 25kg/con) cũng được khoảng 100.000 đồng/kg, tức hòa vốn nhưng mất tiền nhân công. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định có giữ được mức giá này hay không vì không có cơ sở để nhận định xu hướng giá cả, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bấp bênh là thế, nhưng thấy giá cá sấu phục hồi, nhiều hộ dân lại rục rịch tái đàn trở lại bất chấp sự mù mờ về giá bán trong tương lai.
Chưa hết, việc nuôi số lượng cá sấu cực lớn cũng khiến nhiều người băn khoăn, bởi hơn 10 vạn con cá sấu-loài động vật hoang dã, hung dữ được nuôi nhốt ngay trong khu dân cư. Là động vật hoang dã nên việc quản lý cá sấu thuộc trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Định Quán cho biết: “Việc quản lý hết sức chặt chẽ, từ khâu cấp giấy chứng nhận trại nuôi, kiểm tra cấp giấy tới khi các hộ dân được cấp giấy chứng nhận. Hàng năm, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn thường xuyên cho các chủ trại ký cam kết để đảm bảo an toàn trại nuôi, đảm bảo không có cá sấu xổng ra ngoài từ nhiên. Cùng với đó luôn kiểm tra đầu vào đối với các cơ sở, trại nuôi".
Đáng ngại hơn, vùng nuôi cá sấu tập trung nhiều nhất lại nằm ngay ven hồ Trị An. Đây sẽ là mối nguy lớn nếu có sự cố xảy ra khiến cá sấu xổng chuồng. Do đó bên cạnh câu chuyện kinh tế, việc đảm bảo an toàn khi nuôi nhốt loài động vật hung dữ này là rất cần thiết, không thể lơ là.
Xuân Lượng (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.