Mua bán thận, bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý như thế nào?

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 14/03/2024 08:28 AM (GMT+7)
Luật sư Bùi Minh Đại – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

Luật sư Bùi Minh Đại cho biết, hiện nay, vấn nạn mua bán thận nói riêng và mua bán mô, các bộ phận cơ thể người nói chung diễn ra rất phức tạp, nên cần phải được ngăn chặn và điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể:

Theo Khoản 8 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã nghiêm cấm các hành vi: "Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại."

Mua bán thận, bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Luật sư Bùi Minh Đại – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Ảnh: PL

Trong bối cảnh các hành vi mua bán mô và các bộ phận cơ thể người đang diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực đến con người thì việc bổ sung quy định về tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác trong BLHS năm 2015 đã tạo cơ sở vững chắc để xử lý loại tội phạm này cũng như góp phần phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm đạt hiệu quả.

Theo đó, tại Điều 154 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác tùy vào mức độ phạm tội mà bị phạt tù từ ba năm đến chung thân, trừ trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội được quy định tại khoản 1 điều này.

"Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì mục đích thương mại;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với 06 người trở lên;

d) Gây chết người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, trường hợp do khách thể của Tội mua bán bộ phận cơ thể người là bộ phận cơ thể của người khác nên người bán bộ phận cơ thể của chính mình sẽ không bị truy cứu theo tội này.

Bên cạnh đó, đối với hành vi môi giới mua bán bộ phận cơ thể người được thực hiện một cách tràn lan, bất hợp pháp có xử lý theo tội ở Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người hay không thì thực tế tồn tại hai quan điểm, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng người môi giới mua bán bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với vai trò đồng phạm cùng với người mua, người bán.

Quan điểm thứ hai cho rằng người môi giới mua bán bộ phận cơ thể người nên được xử lý ở tội riêng biệt, có thể đề xuất điều luật là tội môi giới mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Bởi lẽ, hành vi môi giới này cũng có tính chất, mức độ nguy hiểm không kém gì so với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người.

Mua bán thận, bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 2.

Giữa năm 2023, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo thủ đoạn mô giới, mua bán bộ phận cơ thể người. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, quy trình, thủ tục hiến thận nói riêng và hiến mô, bộ phận cơ thể người nói chung được quy định khá rõ tại tại điều 12 và điều 18 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.

Theo đó, người có đủ điều kiện hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người có thể thông báo đến bệnh viện (BV) và BV có trách nhiệm thông báo đến trung tâm này về việc hiến tạng. Trên cơ sở đó, BV sẽ gặp trực tiếp người hiến để tư vấn và thông tin các thông tin liên quan đến việc lấy, hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Đồng thời, chỉ những cơ sở y tế được quy định tại Điều 16 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác mới có quyền lấy mô, bộ phận cơ thể người còn sống. Ngoài ra, việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người còn sống chỉ được thực hiện đối với người đã đăng ký hiến tạng. Đối với những trường hợp khác thì phải làm theo đúng quy định.

Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì Người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não).

LS. Đại cũng cho biết, ngoài ra, người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết) tại các địa chỉ bệnh viện như: BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 - Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem