Mua bán trinh trẻ em: Không chỉ suy đồi đạo đức mà còn phạm tội

Thùy Anh Thứ năm, ngày 23/12/2021 13:00 PM (GMT+7)
Trẻ em bị xâm hại tình dục, mua bán trinh thường gặp phải nhiều tác động sức khỏe thể chất, lẫn tinh thần. Phóng viên báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để làm rõ một số vấn đề liên quan công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Bình luận 0

Mua bán trinh nữ sinh là phạm tội

Quan điểm của bà thế nào về vụ việc có hàng trăm trẻ em bị xâm hại, bị dụ dỗ tham gia vào đường dây mua bán trinh lần này?

- Khi xem những hình ảnh từ phóng sự điều tra về hành vi mua bán trinh của báo tôi thực sự sốc. Hội chưa tiếp nhận được thông tin từ các địa phương liên quan tới việc trẻ em bị mua bán trinh. Thông tin từ các địa phương cho thấy đa phần là các vụ xâm hại, dâm ô, bạo hành trẻ em.

Tôi cho rằng cần lên án nghiêm khắc với hành vi này. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề suy đồi về mặt đạo đức mà nó còn là hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy cần được xử lý nghiêm minh.

Theo bà, nguyên nhân gì dẫn tới thực trạng đáng buồn này, thậm chí nhiều trẻ em bị dụ dỗ vào đường dây mua bán trinh chỉ vì một chiếc điện thoại?

mua bán trinh

Một nữ sinh trong đường dây mua bán trinh liên tỉnh. Ảnh cắt từ clip.

- Thực tế có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các em rơi vào cạm bẫy của những kẻ mua, bán trinh. Có em rất ngoan nhưng bị lừa đảo, có em thì vì ham chơi thích hưởng thụ, thích cuộc sống đua đòi... nên sập bẫy.

Nhưng dù các em có như thế nào chúng ta vẫn không thể lên án các em được. Lý do là bởi các em còn nhỏ, chưa đủ nhận thức, hiểu biết về nguy cơ, tác hại của hành động này gây ra. Người đáng bị lên án chính là bố mẹ, gia đình thậm chí là cả thầy cô, nhà trường... nơi các em sinh sống và học tập.

Phóng sự điều tra cho thấy, thậm chí còn có những em từ Nam ra Bắc... những lúc các em xa nhà như vậy bố mẹ các em ở đâu, có biết việc con mình xa nhà hay không... Rõ ràng cha mẹ đã không quan tâm, xao nhãng trẻ nên mới không biết được những việc như vậy.

Tôi cho rằng ngoài việc lên án gia đình, người thân của các em cần lên án cả những kẻ mua trinh và cả những kẻ môi giới bán trinh. Pháp luật cần trừng trị thích đáng những kẻ không muốn làm chỉ muốn ăn bám, sống dựa trên thân xác người khác bằng những đồng tiền nhơ nhuốc, bẩn thỉu, lợi dụng, dụ dỗ trẻ em đi vào con đường bị xã hội lên án.

Nhiều trẻ em mới 15, 16 tuổi nhưng đã bị lợi dụng tham gia đường dây mua bán trinh, điều này tác động như thế nào tới tâm, sinh lý của trẻ em?

- Đương nhiên, việc trẻ em quan hệ sớm, hay bị mua bán trinh sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thể chất và tinh thần của các em. Trẻ khi bị xâm hại thường gặp nhiều sang chấn về tâm lý. Nhiều trẻ lâm vào cảnh hoảng loạn, sợ hãi có tâm lý chán sống khi bị phát hiện. Nhiều em khác thì thường nghi hoặc về giá trị bản thân, nhân phẩm nên dễ bị lạm dụng và xâm hại sau đó. Thậm chí có những trẻ sau khi bị xâm hại lại tiếp tục con đường mua bán dâm... hoặc trở thành tội phạm môi giới mua bán dâm.

Không chỉ bị sang chấn về tâm lý, các em còn gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất. Mắc phải các bệnh quan hệ tình dục, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, sợ hãi khi ở cạnh người khác giới.

Có thể nói, trẻ em khi bị xâm hại tình dục, mua bán trinh thường đối mặt với rất nhiều nguy cơ sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Hệ quả nỗi đau ấy còn rất dai dẳng theo các em trong suốt cuộc đời.

Ngăn chặn việc mua bán trinh bằng cách truyền thông rộng rãi

Vậy theo bà cần xử lý thế nào với những kẻ tiếp tay môi giới bán dâm, bán trinh tiết?

- Như tôi đã nói việc mua bán trinh trẻ em không đơn thuần chỉ là vấn đề đạo đức mà đó còn là hành vi phạm tội, có thể bị cấu thành vào tội xâm hại trẻ em. Dù được các em đồng ý nhưng có quan hệ tình dục, lạm dụng xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi đều sẽ bị xử lý hình sự.

Kể cả những kẻ xâm hại, mua bán trinh với các em trên 16 tuổi cũng sẽ bị khép tội.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh đây là những hành vi phạm tội, đáng lên án và cần được xử lý nghiêm khắc.  

Mua bán trinh trẻ em: Không chỉ vấn đề suy đồi đạo đức mà còn là phạm tội - Ảnh 2.

Bà Ninh Thị Hồng cho rằng cần lên án hành vi mua bán trinh và xử lý nghiêm khắc với loại tội phạm này. Ảnh: L.Đ

Về phía Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội có biện pháp nào để hỗ trợ các em là nạn nhân, thúc đẩy tư vấn phòng ngừa cho trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa?

- Nạn nhân là trẻ em bị xâm hại, mua bán hay bạo lực đều được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm lý và thể chất. Hiện nay ngoài Hội Bảo vệ quyền trẻ em, còn có nhiều đơn vị Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội... cùng chung tay hỗ trợ chăm sóc các em. Các em hoặc gia đình các em có thể liên hệ tới đường dây bảo vệ trẻ em 111 để được hỗ trợ kết nối.

Sự việc lần này cũng là lời cảnh tỉnh, báo động tới gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục các em phòng ngừa trước những hành vi tội phạm nguy hiểm. Internet bùng nổ, giao lưu ngày càng dễ ràng là cơ hội để nhiều loại tội phạm xâm hại trẻ em lợi dụng. Hiện tại các cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng đã bắt tay thực hiện nhiều chương trình ứng phó, phòng ngừa khẩn cấp để bảo vệ các em.

Sau vụ việc báo Dân Việt nêu về phía tổ chức Hội, chúng tôi sẽ có kiến nghị với cơ quan, đoàn thể, các Bộ ngành tăng cường giáo dục trong trong nhà trường và trong các gia đình về công tác chăm sóc sức khỏe tình dục, sinh sản cho trẻ em nói chung và các loại tội phạm xâm hại tình dục, mua bán trinh nói riêng. Hội sẽ có văn bản thông tin, kiến nghị tới cơ quan liên quan cùng phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm này.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem