Mưa đá tại Lào Cai: Thiệt hại ít nhất 70 tỷ đồng

Thứ sáu, ngày 29/03/2013 09:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ước tính ban đầu, thiệt hại do trận mưa đá trên địa bàn tỉnh Lào Cai rạng sáng 27.3 đã gây thiệt hại ít nhất 70 tỷ đồng, bao gồm cả hoa màu và tài sản.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT Lào Cai, thiệt hại nặng nhất là 150ha mận Tam Hoa ở huyện Bắc Hà, Mường Khương… với thiệt hại khoảng 80 – 95%, do mận đang trong độ quả non, cả rừng mận quả rụng kín gốc, cành giập nát.

Ngoài ra có khoảng 10ha cây thuốc lá bị thiệt hại nhẹ. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) tỉnh Lào Cai cũng ước tính, hiện Bắc Hà có khoảng 2.350 hộ (7 xã) bị mưa đá ném vỡ ngói, fibro ximăng, với mức thiệt hại từ 50 – 100%. Huyện Si Ma Cai có khoảng 1.200 hộ (9 xã), thiệt hại khoảng 50 – 80%.

img
Mưa đá gây thiệt hại lớn ở Lào Cai.

Theo ông Phạm Đức Dũng- Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Lào Cai, trận mưa đá này rất lạ. “Những năm gần đây, thi thoảng Lào Cai vẫn xảy ra mưa đá, năm ngoái xảy ra ở huyện Bảo Thắng nhưng chỉ mưa nhỏ, đá nhỏ, mật độ thưa và chỉ xảy ra vài phút hoặc vài chục phút là hết. Nhưng trận mưa đá này kéo dài tới hơn 3 giờ, mật độ hạt rất lớn, đa số hạt mưa đá to bằng ngón chân cái, chén uống nước và rất nhiều hạt to bằng ấm pha trà. Điều đặc biệt nữa là các hạt mưa đá này rất lâu tan”- ông Dũng nói.

Bên cạnh thiệt hại về vật chất, trận mưa đá tại Lào Cai cũng làm 30 người bị thương, trong đó 20 người bị thương ở huyện Mường Khương đã được đưa đến bệnh viện để cứu chữa.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai đã triển khai hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp đỡ nhân dân, tuần tra canh gác bảo đảm an toàn kho tàng. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Lào Cai cũng huy động lực lượng tập trung giúp đỡ các nhà trường, nhân dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, vận chuyển vật liệu lợp lại mái nhà, tạo nơi ăn ở, sinh hoạt tạm cho nhân dân.

Lạ nhất từ trước tới nay

Ông Phạm Đức Dũng - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Lào Cai, cho biết: "Trận mưa đá này rất lạ. Những năm gần đây, thi thoảng Lào Cai vẫn xảy ra mưa đá, năm ngoái xảy ra ở huyện Bảo Thắng nhưng chỉ mưa nhỏ, đá nhỏ, mật độ thưa và chỉ xảy ra vài phút hoặc vài chục phút là hết. Nhưng trận mưa đá này kéo dài tới hơn 3 giờ, mật độ hạt rất lớn, đa số hạt mưa đá to bằng ngón chân cái, chén uống nước và rất nhiều hạt to bằng ấm pha trà. Điều đặc biệt nữa là các hạt mưa đá này rất lâu tan, đến bây giờ (15 giờ ngày 27.3) vẫn còn hạt mưa đá trên mặt đất”.

Ông Nguyễn Chính Cương-Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Lào Cai cho biết: “Ban chỉ huy thành lập 3 đoàn xuống các địa bàn bị thiệt hại giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời đặt mua các tấm lợp mái nhà để cung cấp cho người dân lợp lại nhà cửa.

Mức hỗ trợ người bị thương nằm viện là 500.000 đồng/người; đối với mua tấm lợp thì hỗ trợ từ 50 đến 100% số tiền mua vật liệu”.

Trong khi đó, tại tỉnh Hà Giang, mưa đá kèm theo dông lốc cũng gây thiệt hại tại các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Yên Minh. Mưa đá khiến hàng nghìn mái nhà bị vỡ, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị giập đổ.

Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê thiệt hại và bước đầu hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống… Theo ông Nguyễn Hoàng Quan- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay là 2 trận mưa đá liên tiếp trong tháng này khiến nhiều điểm trường ở cơ sở bị thiệt hại. Trước mắt, huyện đã khắc phục một số điểm trường để hôm nay học sinh đi học

Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, hiện đã bước vào thời kỳ giao mùa từ lạnh sang nóng, vùng núi trung du Bắc Bộ, nhất là vùng núi biên giới phía Bắc nước ta thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá kèm theo sấm sét mạnh trong cơn dông. Người dân các địa phương trên cần có biện pháp phòng tránh khi thời tiết xấu xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem