Mùa lũ ở ĐBSCL (bài 1): Miền Tây sẽ có một mùa “lũ đẹp”

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 16/08/2017 12:55 PM (GMT+7)
LTS: Sau nhiều năm không về, năm nay - ở thời điểm này, nước lũ ở ĐBSCL (hay còn gọi là mùa nước nổi) đang lên nhanh và đỉnh điểm được dự báo là sẽ cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Lũ về, các làng nghề vốn “ăn theo” lũ sau nhiều năm chật vật nay hồi sinh mạnh mẽ trở lại. Cư dân ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang háo hức đón lũ để mưu sinh, kỳ vọng vào một mùa lũ… đẹp.
Bình luận 0

Sau vài năm trầm lắng vì không có lũ, ở thời điểm này các làng nghề sản xuất nông ngư cụ, phương tiện phục vụ cho việc đánh bắt, mua bán thủy sản ở các tỉnh vùng ĐBSCL trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Làng nghề nhộn nhịp

img

Các cơ sở sản xuất tại làng lưới Thơm Rơm đang làm việc hết công sức. Ảnh: HUỲNH XÂY

Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài đạt danh hiệu làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2005 và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Trước đây, làng nghề có gần 140 cơ sở, tuy nhiên do sức tiêu thụ giảm đáng kể do lũ không về nhiều năm, nơi đây chỉ còn 40 cơ sở duy trì hoạt động thường xuyên. Tín hiệu lũ về sớm và cao hơn các năm trước đã giúp làng nghề có thêm 5 cơ sở mới. 

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này, các cơ sở sản xuất tại làng lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) luôn làm việc hết công suất để kịp đưa ra thị trường các các phẩm như: Chài, lưới, dớn... Mỗi cơ sở có từ vài chục đến cả trăm công nhân tham gia sản xuất và sản phẩm làm ra đều được bao tiêu.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh ở làng lưới Thơm Rơm cho biết, hiện nơi đây có khoảng 30 hộ sản xuất, giúp giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Mỗi người nếu làm thành thạo có thể thu nhập từ 150.000 – 250.000 đồng/ngày. “Đặc biệt năm nay lũ lớn, các cơ sở sản xuất phải cho công nhân tăng ca hoặc tăng cường chuyển hàng cho các hộ dân mang về nhà để gia công nên mức thu nhập tăng cao hơn mọi khi” – chị Kim Anh nói.

Còn anh Bùi Văn Giang (cùng ngụ làng lưới Thơm Rơm) thì cho biết: “Vài năm trước đây, mực nước lũ về thấp, làng lưới không nhộn nhịp như bây giờ, cuộc sống của chúng tôi nhiều khó khăn. Giờ thì tín hiệu lũ lớn đã có, đem đến niềm vui cho nhiều hộ dân làng lưới Thơm Rơm nói riêng và hàng ngàn hộ dân tại các vùng thượng nguồn dòng Mekong nói chung”.

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề đan lưới Thơm Rơm tập trung tại các khu vực Tân Lợi 1, Tân Lợi 2 thuộc phường Tân Hưng. Sản lượng lưới sản xuất và tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 18% so cùng kỳ.

Cùng thời điểm này,  làng chuyên sản xuất lọp ở xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú, An Giang) cũng xôm tụ hẳn lên. Tại đây có hơn 70 hộ dân chuyên làm lọp dùng để đặt, bắt cua đồng, tôm tép... Các sản phẩm sản xuất ra được bán cho nông dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ ở An Giang và nhiều tỉnh lân cận, một số được bán sang Campuchia.

Ông Trần Văn Tư ngụ xã Mỹ Đức khoe: “Năm nay, nước lũ về sớm nên đến thời điểm này, tôi đã bán được gần 800 cái lọp. Trước đây, cả mùa nước nổi cũng chỉ bán được 500 cái. Mừng quá mấy chú ơi”.

Cung không đủ cầu

img

Cũng như làng nghề sản xuất chài, lưới, dớn, lọp..., các làng nghề đóng ghe xuồng, dầm chèo (các phương tiện vận chuyển trên các cánh đồng nước lũ) cũng đang không kém phần tất bật. Theo Tổ hợp tác sản xuất dầm chèo Mỹ Thạnh (khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang), hiện là thời điểm nước lên nên sản phẩm của tổ tiêu thụ rất mạnh. Cũng như các sản phẩm khác phục vụ cho việc mưu sinh mùa lũ, mỗi cây dầm chèo theo đơn đặt hàng có giá 28.000 đồng/cây (tăng 5.600 đồng/cân) so với trước nhưng không đủ bán.

Ông Lê Văn Tiến - Tổ trưởng Tổ hợp tác dầm chèo Mỹ Thạnh phấn khởi nói: “Sản phẩm tổ chúng tôi làm ra luôn thiếu so với nhu cầu thị trường. Nguyên nhân là do nhu cầu nhiều và do số lượng hộ trong tổ giảm mạnh sau vài năm không có lũ. Trước đây, có đến 32 hộ thì bây giờ chỉ còn 12 hộ”.

Cũng theo ông Tiến, để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương trong vùng ĐBSCL, nhất là người dân vùng ven biển, các hộ dân trong tổ tăng cường thêm lực lượng lao động để có nhiều sản phẩm có chất lượng.  Hiện nơi đây có khoảng 60 lao động có mức thu nhập bình quân từ 80.000 – 150.000 đồng/người /ngày. “Bình quân mỗi tháng làng nghề sản xuất trên dưới 3.000 sản phẩm (dầm chèo với nhiều kích cỡ khác nhau), riêng những tháng mùa lũ thì lượng sản phẩm sản xuất tăng lên gấp đôi” – ông Tiến nói.

Cũng như Tổ hợp tác dầm chèo Mỹ Thạnh, từ tháng 7 đến những ngày đầu tháng 8, làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) - nơi có bề dày truyền thống sản xuất xuồng có dấu hiệu hồi sinh sau bao năm không có lũ.

Theo ông Đỗ Văn Banh – chủ một cơ sở sản xuất  xuồng ở xã Long Hậu, cơ sở của ông cũng như các cơ sở khác đang vào cao điểm. Các sản phẩm ở đây rất đa dạng, phục vụ cho nhu cầu của nhiều loại khách hàng khác nhau như: Xuồng cui, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá, xuồng tam bản... Năm nay cơ sở của ông ước tính sẽ cung ứng cho thị trường trên 1.000 chiếc.

Mỗi chiếc xuồng có giá  dao động từ 1,2-1,5 triệu đồng. Riêng loại xuồng lớn, gỗ tốt bán giá hơn 2 triệu đồng/chiếc.

Theo UBND xã Long Hậu, trên địa bàn xã có 68 cơ sở đóng xuồng hoạt động mạnh, giải quyết công ăn việc làm cho 1.000 lao động tại địa phương. Các năm trước đây, do nước lũ không về hoặc về ít nên sức tiêu thụ xuồng giảm đáng kể. Riêng năm nay, lượng người dân đến mua, thuê đóng xuồng đã tăng lên rõ rệt, có thể tăng hơn mọi năm khoảng 5%. Dự báo, sản lượng xuồng được làm ra nhiều hơn mọi năm 20 - 30%. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem