Thiệt vì nằm ngoài vùng đê bao
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, hiện nay, nhiều diện tích hoa màu ở ấp Phú Lợi và Phú Thành (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) bị ngập trong nước. Theo đó, bên cạnh ruộng hoa màu còn non đang chết dần, những loại hoa màu gần đến ngày thu hoạch vẫn được người dân “đi mót từng cây” với hy vọng “được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu”.
Diện tích mè của anh Nguyễn Văn Lĩnh (ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) bị thiệt hại do nước dâng cao. Ảnh: H.X
Trước những thiệt hại xảy ra đối với hoa màu, lúa ngoài vùng quy hoạch, Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng, đây là bài học đắt giá rút ra từ việc sản xuất không tuân thủ lịch thời vụ; không theo khuyến cáo của ngành chức năng và làm theo tập quán cũ. |
Anh Nguyễn Văn Lĩnh ở ấp Phú Thành cho biết, anh trồng khoảng 5.000m2 cây mè và số diện tích này đã bị ngập nước, thiệt hại nặng nề. “Toàn bộ bị ngập hết khi trái vẫn còn xanh, tôi phải thuê người phụ cắt, đem về phơi khoảng 1 tuần lễ, coi có bán được ký hạt nào không, được đồng nào hay đồng ấy. Nhiều diện tích mè của hộ khác ở đây cũng gặp tình trạng tương tự hoặc thiệt hại nặng hơn” – anh Lĩnh nói.
Còn anh Trần Văn Thuận, ngụ cùng ấp Phú Thành thì cho hay, vụ màu này anh thuê 7.000m2 để trồng bắp, còn gần 1 tháng nữa thu hoạch thì nước tràn vào ruộng gây thiệt hại 100%. “Bắp đã cho trái non nhưng tôi cũng đành bỏ vì bị ngập nước. Giờ tôi chỉ còn biết làm thuê, giăng lưới, giăng câu kiếm sống qua ngày và trả nợ” – anh Thuận buồn rầu nói.
Ông Dương Văn Tỷ (xã Phú Hữu) đang hết sức rầu rĩ vì “hơn 1,9ha trồng bắp và 8.000m2 mè, chi phí đầu tư của tôi gần 30 triệu đồng, giờ coi như mất trắng. Nguyên nhân vì nước lên nhanh quá, có ngày lên thêm trên 1 tấc nên không trở tay kịp”.
Cũng theo ông Tỷ, những năm trước đây, cuối tháng 7 âm lịch, nước lũ mới lên, còn năm nay thì chưa đến cuối tháng 6 đã lên. Vì vậy, cả cánh đồng này có khoảng 100ha bị ngập. Ông Tỷ và nhiều hộ dân khác hy vọng, cơ quan chức năng có sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Ông Phạm Thành Tâm – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú thông tin, khu vực hoa màu bị ngập mà phóng viên đề cập nằm ngoài vùng quy hoạch, không có đê bao khép kín. “Những diện tích ngoài quy hoạch, chúng tôi không thống kê cụ thể diện tích thiệt hại. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cáo về Sở NNPTNT tỉnh để xem xét hỗ trợ” - ông Tâm nói.
Theo Phòng NNPTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), những ngày cuối tháng 7 vừa qua, nước lũ lên nhanh đã gây ngập úng cho hàng chục ha rau màu của nông dân ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A. “Khu vực hoa màu bị ngập đó đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng trọt nhưng người dân vẫn làm”- ông Trần Thành Nhi - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hồng Ngự cho biết.
Thua lỗ mùa lúa
Cũng như các loại hoa màu trên, gần 70ha lúa thu đông (khoảng 95% diện tích bị ngập sâu, có khả năng sẽ mất trắng) của gần 60 hộ dân ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) canh tác ngoài đê bao bị thiệt hại do nước lũ lên nhanh.
Ông Võ Văn Thuông - người dân ấp Vĩnh An cho hay, vụ lúa này, gia đình ông gieo sạ 1,6ha, nhưng chỉ thu hoạch được 16 bao, tương đương 32 giạ. Nguyên nhân là do diện tích này đã bị ngập nước nhiều ngày nay nên phải thu hoạch sớm.
Cũng như ông Thuông, ông Nguyễn Văn Ba - ngụ cùng ấp Vĩnh An nói, thông thường lúa phải đến gần 90 ngày mới thu hoạch, đằng này chỉ mới 70 ngày thì người dân nơi đây đã buộc phải thu hoạch sớm vì nước ngập. “Với 0,6ha, các năm trước tôi thu hoạch hơn 4 tấn, mùa vụ này chỉ thu hoạch được hơn chục bao lúa với hạt còn xanh. Lúa này tôi chỉ bán với giá 3.000 đồng/kg cho người dân nuôi vịt chứ thương lái không mua” - ông Ba chua chát.
Ông Ba cho biết thêm: “Để ngăn lũ tràn vào, nhiều hộ dân chúng tôi đã hùn gần 35 triệu đồng để xây dựng bờ bao tạm nhưng nước lên quá cao và mạnh dẫn đến vỡ đê, nước tràn ngập cả cánh đồng”.
Theo UBND xã Vĩnh Hội Đông, thông thường diện tích đất ngoài đê bao chỉ làm 2 vụ lúa là đông xuân và hè thu. Tuy nhiên, người dân nơi đây đã “tranh thủ” làm thêm vụ thu đông vì nghĩ nước lũ về muộn như những năm trước đó. Tuy nhiên, năm nay do lũ bất ngờ (sớm hơn gần 1 tháng) nên bà con “trở tay không kịp”. “Hiện chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực giúp bà con bảo vệ đê tạm, để tranh thủ thu hoạch khi nước lũ quá lớn”- ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông nói.
Theo phóng viên tìm hiểu, thời gian qua, hàng trăm ha lúa hè thu ở tỉnh Long An đã bị nước lũ nhấn chìm, gây ảnh hưởng chất lượng và về năng suất. Khu vực bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Tân Hưng với trên 94ha bị mất trắng, trên 240ha bị giảm năng suất từ 70-80%. Tại huyện Tân Hưng cũng có hàng chục ha có khả năng mất trắng do nước lũ lên nhanh.
Tỉnh Kiên Giang cũng có nhiều diện tích lúa bị ngập úng. Riêng tại Mỹ Thái, huyện Hòn Đất đã có hơn 2.000/7.000ha lúa bị ngập. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái, nguyên nhân chính dẫn đến ngập úng trên là do không có đê bao khép kín.
Trước tình hình trên, ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang đã đề nghị UBND các huyện có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ, không có đê bao khép kín chủ động ứng phó, tránh thiệt hại xảy ra tiếp tục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.