Đó là những hậu quả do đợt lũ lớn gây ra sau cơn bão số 2, cho dù trước đó nguy cơ về lũ và sạt lở đất đã được cảnh báo liên tục.
Trận sạt lở đất kinh hoàng
Vào lúc 3 giờ sáng 21.7, tại Hà Giang đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng. Thông tin ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Hoàng Su Phì, tại đội 3 thôn Thiêng Rày thuộc xã Nàng Đôn có 3 hộ gia đình bị sạt lở taluy dương làm sập nhà, trong đó có 2 nhà bị lấp 5 người (4 người lớn và 1 trẻ em) cùng toàn bộ tài sản trong nhà.
Các nạn nhân tử vong gồm vợ chồng anh Nguyễn Anh Thơ (49 tuổi), chị Lê Thị Chinh (38 tuổi, quê Hải Dương; ông Nùng Sào Phin (53 tuổi), bà Nùng Già Diu (59 tuổi), chị Nùng Già Khánh (21 tuổi) và cháu bé 10 ngày tuổi, đều ở thôn Phiêng Rày cùng trú tại địa chỉ trên; anh Thèn Sín Phòng (25 tuổi, trú tại huyện Vị Xuyên). Ngoài ra còn có 2 ngôi nhà và 2 con trâu bị cuốn trôi, 125 ngôi phải di dời khẩn cấp, 171 ngôi nhà bị ngập úng và 408ha lúa bị mất trắng.
Ông Hoàng Hải Lý - Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, huyện đã huy động toàn bộ chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện xuống phối hợp với các xã, cùng với các lực lượng tại chỗ khẩn trương hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “cứu người trước, cứu tài sản sau”, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. Đến chiều 21.7, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 7 nạn nhân trong vụ sạt lở đất.
Thông tin tổng hợp từ các địa phương khác cũng cho biết đã có 12 người chết do đợt mưa lũ lần này. Cụ thể: Lạng Sơn có 5 người chết; Điện Biên có 1 người chết ở Bản Pó, xã Trường Đông (huyện Tuần Giáo) và 13 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; 9 con trâu, 19 con dê, 420 con gia cầm bị lũ cuốn trôi, 447ha lúa bị mất trắng. Ngoài ra, tại Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn mỗi tỉnh có 1 người chết; 3 người chết do bị sét đánh ở Lào Cai. Có 2 người đang mất tích (ở Lai Châu và Sơn La).
Mưa lớn chưa từng có
Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, chỉ trong 3 ngày (từ tối 17 đến sáng 21.7), lượng mưa đo được tại các tỉnh miền núi đã đạt mức cao và rất cao, trung bình từ 230-350mm, cá biệt tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), lượng mưa đo được lên tới 523mm. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, do mưa lớn cộng với việc các hồ chứa phía Trung Quốc xả lũ liên tục chính là nguyên nhân gây ra những trận lũ lớn, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản tại các địa phương.
Lạng Sơn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ. Đến chiều qua (21.7), trên địa bàn 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định đã có trên 2.600 hộ gia đình bị ngập nước, trong đó riêng huyện Tràng Định có 2.300 hộ bị ngập, gồm 6.800 khẩu phải di dời. Gần 500ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt. Đến trưa 21.7, trên địa bàn huyện Văn Lãng và Tràng Định vẫn còn nhiều khu vực chưa có điện. Xã Bắc La, Tân Tác huyện Văn Lãng hiện vẫn bị chia cắt, trong khi đó tại các xã Hùng Sơn, Đề Thám huyện Tràng Định vẫn ngập sâu trong nước. Hiện tại nước đang bắt đầu rút, tuy nhiên tốc độ rút khá chậm.
Cũng do mưa lớn, nên nhiều tuyến đường tại Lạng Sơn đã bị sạt lên tới trên 15.000m3 đất, đường lên Mẫu Sơn tại km3 và km11 bị chia cắt hoàn toàn, nhiều cây xanh bị gãy đổ, khoảng 2.000ha hoa màu bị mất trắng và hàng nghìn hộ dân bị ngập nước gây thiệt hại về tài sản... Đặc biệt, mưa lũ đã làm 5 người dân ở Lạng Sơn bị chết, mất tích (chủ yếu do lũ cuốn trôi).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 trên lưu vực vùng thượng lưu sông Lô, sông Chảy đang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước trên sông Thao, Lô, sông Chảy đang lên. Dự báo, mực nước tại các sông Chảy, Lô đến sáng nay vẫn ở mức trên báo động 2 và xuống chậm. Trên các sông Thương, Cầu, Lục Nam nước lên xấp xỉ báo động 1.
Cảnh báo nguy hiểm tại nhiều khu vực
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do phía Trung Quốc tăng cường lượng nước xả từ các hồ chứa, nên lưu lượng nước đến hồ Sơn La có khả năng tăng trở lại. Vì thế, cần đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất có khả năng xảy ra ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc, tập trung ở tỉnh Lai Châu gồm các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường; tỉnh Lào Cai gồm các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa; tỉnh Bắc Cạn gồm các huyện: Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông, thị xã Bắc Cạn; tỉnh Yên Bái gồm các huyện: Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, TP.Yên Bái.
Hải Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.