Việc làm sao để đủ tiền tậu oto trở thành một vấn đề nóng muôn thuở nhất là đối với một nước mà GDP/đầu người chỉ vỏn vẹn khoảng 1000USD/năm trong khi giá oto lại cao gấp 3 lần trên thế giới. Phát sinh từ thực tiễn đó, mua oto trả góp trở thành một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn sở hữu cho mình một chiếc oto dù số tiền đang có chỉ đáng mua được “chiếc lốp xe”. Chỉ cần bỏ ra từ 10 đến 30% số tiền mua, khách hàng đã có thể đăng kí mua trả góp oto với các ngân hàng hoặc các công ty tài chính với lãi suất không thể ưu đãi hơn. Tuy nhiên điều này liệu có đúng như lời quảng cáo?
Số tiền cho vay lên đến 80% giá trị chiếc xe cùng với chế độ ưu đãi lãi suất cực hấp dẫn mà ngân hàng đưa ra rất dễ làm lóa mắt những ai đang mong muốn mua xe. Thế nhưng thực tế lãi suất đó có đúng theo cam kết của ngân hàng hay chỉ là một chiêu bài dẫn dụ khách hàng?
Thận trọng với mua ô tô trả góp - Ảnh minh hoạ
Anh Nguyễn Quốc Trung – Hà Nội có nhu cầu mua xe tại Toyota Thăng Long cho biết, anh muốn mua một chiếc Innova với giá khoảng 800tr VND, vay trả góp 50% giá trị chiếc xe (Tức khoảng 400tr VND) kì hạn 48 tháng mỗi tháng trả số tiền gốc là 8,33tr VND. Anh được nhân viên một ngân hàng tư vấn về dịch vụ trả góp này, theo đó anh Trung có thể lựa chọn 2 trường hợp để thanh toán trả góp.
Trường hợp 1: Anh Trung chịu lãi với lãi suất 4,5%/năm trong 6 tháng đầu và 11,5% cho những tháng còn lại. (Lãi suất tính theo dư nợ giảm dần)
Trường hợp 2: Anh Trung chịu lãi với lãi suất 8%/năm trong 12 tháng đầu và 11,5% cho những tháng tiếp theo. (Lãi suất tính theo dư nợ giảm dần)
Theo lời của tư vấn viên, trường hợp 1 là một chương trình ưu đãi dành cho khách hàng với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, khi tính toán lại giá trị phải trả sau 48 tháng thì số tiền phải bỏ ra trong 2 trường hợp chỉ chênh lệch nhau chưa đến 1 triệu đồng!. Vậy nên 2 trường hợp mà tư vấn viên trên đưa ra cũng chỉ là hình thức đánh lạc hướng khiến khách hàng lầm tưởng mình được ưu đãi nhưng thực ra số tiền họ bỏ ra là như nhau.
Thêm nữa chúng ta cần chú ý về mức lãi suất trả góp. Các con số lãi suất mà ngân hàng đưa ra đều là lãi suất danh nghĩa, có nghĩa là lãi suất thực tế mà người tiêu dùng phải trả không phải là như vậy. Do lãi suất cung cấp cho khách hàng là lãi suất tính theo năm mà thời gian thanh toán lại là cuối mỗi tháng thế nên mới phát sinh sự chênh lệch về lãi suất thực tế phải trả và lãi suất danh nghĩa công bố. Trong trường hợp của anh Trung, con số chênh lệch này rơi vào khoảng từ 0,4 đến 0,8%/năm. Một con số không hề nhỏ đối với một khoản vay lớn.
Đó là chưa kể đây chỉ là một bản kế hoạch giả định với trường hợp lãi suất cố định sau 4 năm. Trên thực tế, cũng có rất nhiều trường hợp lãi suất ngân hàng lại thay đổi theo từng thời kì. Như trường hợp chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Đống Đa – Hà Nội) khi mua chiếc xe Honda Civic 780 triệu đồng, trả góp 60% là 468 triệu đồng với thời hạn 36 tháng, lãi suất 3 tháng đầu chỉ 12%, nhưng sau đó ngân hàng điều chỉnh lãi suất, có tháng lên tới 15% thậm chí 17% làm cho việc trả nợ hàng tháng của gia đình chị rất không ổn định, kèm theo đó là việc phạt khi trả chậm làm chị tháng nào cũng nơm nớp lo tiền trả nợ.Kết quả là sau 12 tháng chị đi vay bạn bè luôn tổng số tiền còn lại để trả ngân hàng trước thời hạn.
Vậy mua ô tô trả góp có đáng hay không khi mà khách hàng luôn luôn phải chịu thiệt thòi khi lãi suất thường được ưu đãi ở thời gian đầu sau đó được thả nổi mà không hề có một biên độ cụ thể nào. Hơn nữa, khi mua được oto còn phải chi ra rất nhiều chi phí khác để vận hành như trông xe hàng tháng, tiền gửi xe, xăng xe, bảo hiểm, bảo trì, phí đăng kiểm, phí phạt khi mắc lỗi tham gia giao thông….Tính ra hàng tháng số tiền bỏ ra hàng tháng để vận hành chiếc xe ngót nghét 6-7tr VND. Nếu cộng với số tiền trả góp hàng tháng như trường hợp của anh Trung thì số tiền bỏ ra hàng tháng để nuôi oto cũng lên đến gần 20tr VND!! Đối với một gia đình có mức thu nhập hàng tháng khoảng 30tr VND như anh Trung thì đây quả là số tiền khá lớn. Dù rằng thu nhập của gia đình anh cũng thuộc dạng khá giả.
Thế nên lời khuyên dành cho khách hàng khi tham gia trả góp là hãy cực kỳ thận trọng và suy nghĩ kỹ.Hầu hết các cá nhân khi tham gia trả góp đều không đọc kĩ các điều khoảng hợp đồng trước khi ký kết dẫn đến tình trạng té ngửa khi biết mình bị hớ như trường hợp của chị Quỳnh Hoa nói trên. Chỉ nên vay trả góp khi nguồn thu nhập tài chính ổn định và đủ lớn, cần tính toán số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, không ký hợp đồng khi chưa rõ bất cứ điều khoản nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.