Mùa trồng rừng vụ xuân hè: Nông dân nên trồng cây gì, đề phòng sâu bệnh nào?

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 08/04/2021 10:04 AM (GMT+7)
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa trồng rừng vụ xuân hè của hầu hết các tỉnh trong cả nước. Để đảm bảo kế hoạch trồng rừng, các địa phương cần kiểm soát tốt nguồn gốc giống cây lâm nghiệp.
Bình luận 0

Tăng cường kiểm soát giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng

Trong khuyến cáo mùa vụ trồng rừng quý II/2021, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương căn cứ kế hoạch phát triển rừng được giao năm 2021 và dự báo khí tượng thủy văn, mùa vụ trồng rừng để chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt; kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định; khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật.

Một số loại cây trồng lâm nghiệp các địa phương có thể đưa vào trồng như, cây mọc nhanh: các loài keo, bạch đàn, mỡ, bồ đề, xoan, tông dù, tếch, muồng, xà cừ,… 

Cây bản địa gồm lát hoa, sa mộc, vối thuốc, lim xanh, re gừng, thông nhựa, tống quá sủ, sao đen, chò chỉ,… 

Cây lâm sản ngoài gỗ gồm sơn tra, quế, hồi, trẩu, trám, mây nếp, luồng, tre Bát độ, giổi xanh, mắc ca, cọ khiết, long não,…

Ông Trần Quang Bảo – Phó Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương tổ chức triển khai rà soát, xác định quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn) hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025"; xử lý thực bì, cuốc hố, lấp hố, trồng cây, chăm sóc, bón phân,…đúng hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loài cây.

Chuẩn bị cây giống tốt trồng rừng vụ xuân hè - Ảnh 1.

Các địa phương chuẩn bị nguồn giống chuẩn bị cho vụ trồng rừng xuân hè năm 2021.

Tháng 3/2021, cả nước trồng được 17.383ha rừng; lũy kế 3 tháng đã trồng 31.498ha rừng, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi, trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ cây sống cao.

Không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút.

Ông Bảo cũng lưu ý một số loài sâu bệnh hại chủ yếu cần phòng trừ như: Bệnh lở cổ rễ, rơm lá thông, sâu róm thông; sâu ăn lá keo, mỡ, bồ đề, quế; bệnh khô lá sa mộc…

Cảnh báo nguy cơ khô hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch trồng rừng

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương cần quan tâm đến nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên để triển khai kế hoạch trồng rừng phù hợp.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên điển Đông.

Tháng 6/2021 bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. 

Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc. –

Trong tháng 4/2021, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ, tình trạng khô hạn gay gắt hơn tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

 Từ nay đến cuối tháng 4/2021, tại Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện thêm 03-04 đợt xâm nhập mặn tăng cao, ở cửa sông Cửu Long. 

Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhập kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem