Mùa vàng trên cánh đồng năng suất cao nhất Tây Nguyên, thu nhập khó tin: 60 tỷ đồng mỗi vụ

Duy Hậu Thứ hai, ngày 24/05/2021 11:09 AM (GMT+7)
Chỉ với khoảng 700 ha, nhưng cánh đồng lúa xã Buôn Chóah, huyện Krông Nông (Đắk Nông) cho thu nhập khoảng trên dưới 60 tỷ mỗi mùa. Đây được đánh giá là cánh đồng cho năng suất cao nhất hiện nay ở Tây Nguyên.
Bình luận 0

Thu nhập hàng chục tỷ mỗi vụ

Những ngày này, người dân xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang nô nức thu hoạch lúa Đông Xuân. Dù cái nắng đang rất chói chang nhưng sự hồ hởi vẫn không mất đi trên khuôn mặt của những nông dân. 

Mùa vàng trên cánh đồng năng suất cao nhất Tây Nguyên - Ảnh 1.

Cánh đồng Buôn Chóah rộng khoảng 700 ha.

Ông Phạm Xuân Lai, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Chóah nói với chúng tôi: "Chưa bao giờ cánh đồng lúa của hợp tác xã cho năng suất cao như năm nay. Trung bình mỗi ha thu về 12 tấn lúa, cá biệt có nơi còn cho năng suất lên đến 15 tấn/ha".

Ông Dương Văn Lực (thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah) kể với chúng tôi, khi bước vào vụ Đông Xuân, người dân gặp phải nhiều khó khăn về nguồn nước, khí hậu. Thế nhưng 9ha lúa của gia đình ông vẫn cho thu về khoảng trên dưới 90 tấn. 

Mùa vàng trên cánh đồng năng suất cao nhất Tây Nguyên - Ảnh 2.

Khoảng hơn 400 ha lúa ở Buôn Chóah được sản xuất theo hướng VietGAP.

"Tôi phải thu hoạch nhanh về phơi, xay xát để kịp đơn của đối tác. Lúa sạch, nên việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi, chủ yếu bán cho các đại lý trong tỉnh, với mức giá ổn định khoảng 16.000 đồng/kg gạo.

Chị Hứa Thị Niên (thôn Thanh Sơn, xã Buôn Chóah) năm nay cũng thu được 15 tấn lúa. Theo chị Niên vì là thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Chóah nên chị không phải lo lắng về đầu ra. Không chỉ thế, mỗi tấn lúa chị được hợp tác xã bao tiêu với giá cao hơn thị trường 200 ngàn đồng.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, cánh đồng Buôn Chóah hiện là nơi có năng suất lớn nhất Tây Nguyên. Trong vụ Đông Xuân năm nay, trung bình mỗi ha lúa đạt 12 tấn. Với giá lúa hiện tại, toàn bộ cánh đồng này cho thu khoảng trên dưới 65 tỷ đồng. 

Hội Nông dân vào cuộc giúp bà con tăng thu giảm chi

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, cho biết, năm 2020, qua khảo sát của Hội cho thấy việc sản xuất lúa trên cánh đồng Buôn Chóah còn nhiều bất cập. Những năm qua, sản xuất lúa gạo đã có ý nghĩa thiết thực trong phát triển nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và sự phát triển kinh tế của xã Buôn Chóah nói riêng và của huyện Krông Nô nói chung. 

Mùa vàng trên cánh đồng năng suất cao nhất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Theo nông dân, việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP sẽ giảm được chi phí và tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, trên cánh đồng Buôn Chóah, số lượng nông hộ cũng như diện tích canh tác lúa theo hướng an toàn chỉ chiếm 15% trong tổng số diện tích lúa nước của toàn xã. Điều đó cho thấy chất lượng lúa gạo Buôn Choah không đồng đều.

Bên cạnh những nông hộ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thì những nông hộ hiện đang sản xuất thông thường có thói quen lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, sơ chế, bảo quản, vận chuyển chưa quan tâm đúng cách, phù hợp với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc quản lý, tổ chức sản xuất đơn lẻ, độc lập theo mô hình tự phát của các hộ gia đình, thiếu sự liên kết trong sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá trị mua bán không cao, sản phẩm tiêu thụ bấp bênh phụ thuộc vào thương lái tự do và tình hình thị trường.

Mùa vàng trên cánh đồng năng suất cao nhất Tây Nguyên - Ảnh 4.

Ông Hồ Gấm- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông (phải) khảo sát cánh đồng Buôn Chóah.

"Để sản phẩm lúa gạo của Buôn Chóah có chất lượng đồng đều, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng giá trị mua bán, đón đầu được các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã quyết định triển khai xây dựng dự án "Phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ cánh đồng xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông". 

Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chứng nhận VietGAP từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Liên kết nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo bền vững, hiệu quả để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân"- ông Hồ Gấm cho biết.

Dự án đã tổ chức được 4 lớp đào tạo tập huấn với tổng số 248 nông hộ và 12 người là Ban lãnh đạo, các tổ sản xuất của HTX tham gia về nâng cao nhận thức cho nông hộ về tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt (TCVN 11892-1:2017), kỹ thuật canh tác lúa nước; phương pháp và kỹ năng đánh giá nội bộ; cấp phát tài liệu tập huấn và sổ nhật ký sản xuất cho các nông hộ tham gia đồng thời hướng dẫn nông hộ ghi chép nhật ký sản xuất một cách đầy đủ và kịp thời nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như theo dõi quá trình canh tác của bà con; hướng dẫn Ban quản lý xây dựng hệ thống hồ sơ tài liệu, biểu mẫu ghi chép theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP và triển khai cấp phát, hướng dẫn cho các nông hộ.

Cũng theo ông Hồ Gấm, sau khi khảo sát, dự án đã lựa chọn được 304 hộ đủ khả năng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và tự nguyện đăng ký tham gia với diện tích 440.87 ha. Đồng thời dự án quyết định lựa chọn Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choah là đơn vị kết hợp với bà con nông dân trong quá trình thực hiện dự án cũng như là đầu mối liên hệ, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo đạt chứng nhận VietGAP.

"Với việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP, gia đình tôi đã tiết kiệm được một phần chi phí phân bón, giống, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Khi cần xịt thuốc cho lúa, gia đình chị đều tuân thủ nguyên tắc: "Đúng lúc, đúng thời điểm, đúng liều lượng"- chị Hứa Thị Niên cho biết. 

Cũng như chị Niên, nhiều nông dân cũng khẳng định, việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP đã giúp nông dân tăng thu, giảm chi. Không chỉ thế, sản phẩm lúa VietGAP còn được thu mua cao hơn từ 100-200 ngàn đồng/tấn.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP đã giúp năng suất lúa trên cánh đồng Buôn Chóah tăng khoảng 5%. Trong khi đó, chi phí sản xuất giảm 5%.

Chỉ nhờ vào việc này, nông dân đã tăng được thu nhập khoảng 3 triệu đồng/năm/ha. Nếu đầu ra ổn định, dự án sẽ giúp nông dân tăng thu nhập từ 10-15 %.

Ngoài hiệu quả về kinh tế, dự án phát triển lúa theo hướng VietGAP của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông còn góp phần bảo vệ sức khỏe của nông dân và bảo vệ môi trường.

Theo ông Phạm Xuân Lai, nhờ sự kết nối của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choah đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa đạt chứng nhận VietGAP với Công ty TNHH Nam Quốc Minh Global. 

Toàn bộ sản phẩm của hợp tác xã hiện đều có logo, bao bì...Tại các Hội chợ thương mại, sản phẩm lúa của hợp tác xã cũng được tạo điều kiện để tham gia quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, để đầu ra đảm bảo, trong thời gian tới hợp tác xã sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị thu mua. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Về phía Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Gấm cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cũng như các giống lúa mới đạt chất lượng cao cho nông dân Buôn Chóah. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem