Mùa Vu Lan bất tận

Thứ sáu, ngày 12/08/2011 14:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở những công viên dành cho người già ở Quảng Châu, Trung Quốc, tôi đã biết đến một mùa Vu Lan bất tận.
Bình luận 0

Những công viên rộng lớn dọc bờ Châu Giang không gây ấn tượng lớn đối với tôi. Nó chỉ gây ấn tượng bởi một khối những thiết bị lạ lùng được đặt rải rác trong công viên. Một lần, từ tầng cao nhất của Đài Truyền hình Quảng Châu, một anh bạn người Trung Quốc chỉ cho tôi về cách thiết kế của những công viên ấy, tôi mới giật mình. Đó là những công viên được thiết kế theo hình chữ Hiếu.

img
Một góc công viên dành cho người già ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Nơi giải quyết mâu thuẫn ba chiều

Chỉ khi nhìn rõ ràng những hàng cây và những con đường trong công viên được sắp xếp thành hai chữ Lão và Tử đặt kề bên nhau (thành chữ Hiếu), tôi mới bớt đi cảm giác ngạc nhiên mỗi khi đi qua các công viên dọc bờ Châu Giang: Đó là những công viên dành riêng cho người già. Chúng tôi, ai cũng thấy "là lạ" khi đi qua những công viên này. Nơi đây chỉ toàn thấy bóng người già, thảng đâu đó có bóng những người trẻ trung thì đó là những người giúp việc đưa người già đến đây, xong việc, họ ngồi nép xa mãi tận bờ sông.

Tại công viên trên đường Long Thành, khối thiết bị kỳ lạ nằm tập trung góc phía bắc công viên khiến nó gần như biến thành một trung tâm phục hồi chức năng của một bệnh viện lớn: Có máy tập tay, tập chân, tập lưng, tập cổ… lại có cả máy xoa bóp chạy bằng điện ro ro… tóm lại là có tất cả những gì mà người già cần.

Rằm tháng 7 - Lễ Vu Lan - mùa báo hiếu! Thời điểm mà mỗi con người không may mắn lặng lẽ nuốt giọt nước mắt khi cài bông hồng trắng và cũng là phút giây những người còn mẹ cha cảm ơn cuộc đời về bông hồng đỏ mình được cài trên ngực...

Những người già ở đây, người khỏe mạnh thì chạy huỳnh huỵch trên máy tập chạy hay đạp băng băng trên xe đạp máy, người yếu thì lặng lẽ ngồi bên máy massage, có người ngồi xe lăn nhưng vẫn miệt mài tập tay bên vòng âm dương (một thiết bị tập cổ tay có gắn xung điện).

Ông Lý Sinh từng làm việc tại nhà bảo tàng khu Trường Chính trị đầu tiên do Chủ tịch Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu nên nói tiếng Việt khá tốt, ông bảo: "Đây là "công sở" của chúng tôi. Sáng đến, trưa về ăn cơm hoặc ăn ở căng tin tại công viên, chiều lại đến. Ai già yếu quá thì có người giúp việc đưa đi, đón về".

Khi nghe tôi phàn nàn về sự "thiếu sinh động" của công viên, ông lão 86 tuổi cười lớn: "Ây dà! "Đồng chí" phải đi hết công viên mới tìm hiểu kỹ được. Muốn xem múa hát thì đến góc phía đông, xem thư pháp, đánh cờ đến góc đằng tây, còn phía nam là chỗ nhảy múa".

img
Thi thư pháp - tập thể thao ở công viên người già.

Ông Lý cho biết: Các công viên này là nơi lý tưởng để giải quyết mâu thuẫn ba chiều điển hình của Trung Quốc hiện đại: Nhịp sống hiện đại, người già và đạo Khổng. Lớp thanh niên mới lao vào nhịp sống hối hả thời hiện đại nhưng vẫn không thể dứt ra khỏi đạo Khổng bám rễ ở Trung Hoa ngàn năm nay (tức là việc đưa cha mẹ đến các trung tâm dưỡng lão vẫn là một chuyện bất hiếu trong quan niệm chung). Các công viên người già được chính quyền Quảng Châu xây lên đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã cơ bản giải quyết được mối mâu thuẫn lịch sử này.

Vì có hẹn thi thư pháp với mấy ông bạn già bên góc phía tây nên ông Lý dẫn chúng tôi sang. Đến nơi đã thấy hơn chục cụ ngồi bàn luận ỏm tỏi, thấy ông Lý, vài cụ tỏ vẻ ngạc nhiên "xủng xẻng" một tràng dài, ông Lý bảo: "Mấy "đồng chí" này hỏi tôi sao sang sớm thế, còn gần 1 tiếng nữa mới bắt đầu thi tài". Hóa ra mấy cụ hôm nay thi thư pháp theo kiểu "ai viết nhanh, người ấy thắng".

Nền công viên đã thiết kế sẵn các ô đá, các "thí sinh" sẽ viết bằng bút lông (to như cái chổi) nhúng nước lọc lên ô đá, người nào viết được đoạn văn tự dài hơn trước khi chữ đầu tiên biến mất (nước bốc hơi hết) sẽ chiến thắng. Và để cuộc thi thêm phần gay cấn, tránh kéo dài thời gian, các cụ chọn lúc nắng lên, các ô đá nóng lên (để nước nhanh bốc hơi) mới bắt đầu thi đấu.

Nhịp cầu Ô Thước

Chuẩn bị thi tài, đáng lẽ người ta phải khởi động cho nóng người nhưng mấy cụ ở đây lại rủ nhau… ngồi thiền chờ đến lúc tỉ thí. Chẳng thể chờ được các cụ, tôi mò sang các khu khác trong công viên. Vui nổ giời! Mấy cụ bà tập trung trước mấy khẩu thần công to đùng (thấy bảo đó là những khẩu súng dùng để kháng Nhật trước đây) phấp phới tập quạt, xanh đỏ tím vàng, vui đáo để. Lại có mấy cụ vác dao, vác kiếm múa vung tít mù cả lên, lại còn mặc cả võ phục nữa. Xem mãi không chán mắt.

Nhưng vui nhất là góc phía nam, nơi có những cột đèn xanh đỏ khổng lồ, một vũ trường, một sân khấu kỳ lạ khi các khán giả xung quanh là các cụ rất già (hoặc rất yếu), nói vậy bởi các khán giả toàn "ngự" trên những chiếc xe lăn. Có lẽ đây là khu vui nhất công viên nên các cụ không "chơi" được các món phức tạp như: Thư pháp, múa võ… thường tập trung lại đây… nghe nhạc.

Đừng tưởng các khán giả già cả, ngồi xe lăn là không có uy. Nhiều lúc, các bài khiêu vũ bị thay đổi đột ngột vì các khán giả không thích các bài nhạc làm nền. Quán triệt tư tưởng "người tuổi 70 nghe người 71", những vũ sư trong sân khấu lại chiều lòng đổi nền nhạc khác phục vụ các bậc "huynh trưởng".

Chỉ buồn khi thấy thiếu những công viên như thế này tại Việt Nam, bất giác nhớ đến câu: Muốn có bậc trung lương phải tìm trong đám hiếu tử. Buồn hơn khi buộc phải suy diễn rằng: Biết chăm lo cho chữ Hiếu mới là bậc trung lương.

Ở không gian thơ mộng và đầy sôi động này không thể không sinh ra những… cuộc tình (tất nhiên là tình già). Trong một môi trường toàn những người "gần đất, xa trời", những mối tình ấy vượt qua hết những e lệ, những rào cản.

Trong công viên, chả ngại ngùng gì, mọi người chỉ mặt giới thiệu cho tôi từng "đôi tình nhân" một, hoặc lặng lẽ ngồi bên nhau, hoặc cầm tay chỉ dạy nhau từng đường gươm, đường quạt hoặc nhiêu khê hơn nữa là đang đấm lưng, xoa bóp cho nhau. Và tất nhiên khi đã có tình yêu thì những “phụ phẩm” như: Hờn, giận, ghen tuông... sẽ vẫn có ở các công viên này.

Ông La Tường - người có bước “phăng” khá chuẩn trong màn khiêu vũ chỉ vào cụ “bạn gái” của mình kể: “Tôi trước làm việc ở đoàn Kịch nghệ Phật Sơn (một thành phố thuộc Quảng Đông, cách Quảng Châu 70 km) nên khiêu vũ tốt. Vì thế nhiều bà cũng muốn chọn tôi làm bạn nhảy. Nhiều lúc, tôi mải với bạn nhảy mới, “bỏ quên” bà ấy là bị bà ấy dỗi mấy hôm liền”.

Ông Lý Sinh thì giải thích: “Bị dỗi thì cũng chỉ không thèm nói chuyện với nhau thôi. Tối đến, là ai về nhà người ấy ngủ. Công viên này như cây cầu Ô Thước để Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau. Không có công viên này, mò đến nhà nhau để “tìm hiểu” thì lại ngại với con cháu”. Hóa ra, Trung Quốc cũng có chuyện cầu Ô Thước, nghe cũng na ná như chuyện của Việt Nam, nhưng thay vì chăn trâu thì anh chàng Ngưu Lang Trung Quốc làm nghề chăn bò.

Chiều dần buông trên dòng Châu Giang, lớp người trẻ năng động của thành phố giàu có nhất Trung Hoa hết giờ làm việc lại ghé qua những “cây cầu Ô Thước” này đón cha, mẹ, ông, bà của mình về. Đạo Khổng sẽ còn mãi bám rễ trên mảnh đất này để chữ Hiếu vẫn mãi là đức tính căn bản để hình thành nên những lớp người mới, phù hợp với những bước phát triển của thời đại mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem