Muammar Gadhafi - nhà lãnh đạo lập dị

Thứ sáu, ngày 02/09/2011 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Muammar Gadhafi là nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất trong thế giới Arập. Mặc dù bị NATO và phe đối lập truy sát đến cùng, song một bộ phận dân chúng Libya vẫn ngưỡng mộ nhà lãnh đạo lập dị này.
Bình luận 0

Những quyết định tội lỗi

Ông Gadhafi lên nắm quyền từ năm 1969 sau khi hạ bệ Quốc vương Idris trong một cuộc đảo chính quân sự. Đại tá Gadhafi nổi tiếng là lập dị, thường khoác áo choàng dài và da thú và dùng toàn là nữ cận vệ xung quanh mình.

 Nhà lãnh đạo Libya này hay khiến dư luận chú ý vì các quyết định chính trị của ông thường gây tranh cãi. Ông đã ủng hộ một số phong trào cách mạng trên thế giới, kể cả phong trào ở Iran. Ông Gadhafi bị tố cáo là tài trợ cho các nhóm Hồi giáo chủ chiến và các cuộc tấn công khủng bố.

img
Ông Gadhafi thường xuyên gây chú ý bởi sự lập dị.

Năm 1986, Tổng thống Mỹ R. Reagan đã ra lệnh tiến hành các cuộc không kích vào Libya vì chính phủ của ông Gadhafi bị tố cáo có can dự tới vụ đánh bom vào một hộp đêm ở Đức khiến hai quân nhân Mỹ thiệt mạng. Con gái nuôi của ông Gadhafi đã chết trong cuộc oanh tạc của Mỹ lúc đó.

Chỉ 2 năm sau, Libya bị quy trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie của Scotland khiến 270 người thiệt mạng. Ông Gadhafi thừa nhận trách nhiệm trong vụ tấn công đó vào năm 2003 và đồng ý bồi thường cho gia đình các nạn nhân hơn 2 tỷ USD.

Cùng năm đó, nhà lãnh đạo Libya đồng ý từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và các loại vũ khí giết người hàng loạt, mở đường cho việc dỡ bỏ các chế tài mà Mỹ và các nước châu Âu áp đặt với Libya sau vụ đánh bom vào hộp đêm ở Đức, đồng thời khôi phục lại các mối quan hệ ngoại giao.

Liên Hợp Quốc cũng dỡ bỏ các chế tài đối với Libya liên quan đến vụ đánh bom ở Lockerbie. Tuy nhiên, thiện chí không kéo dài. Phong trào nổi dậy ở Libya diễn ra rầm rộ bắt đầu hồi tháng 2 năm nay và dâng lên cao trào vào từ những ngày cuối tháng 8.

“Ngày không Gadhafi”

Có cả một danh sách dài những kịch bản cho Libya thời hậu Gadhafi. Giới quan sát nhận xét ý đồ chính trị trên giấy của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (TNC) thì rất tốt, song sứ mệnh xây dựng một Nhà nước mới ở Libya là một ẩn số lớn đối với chính quyền tương lai, nhất là khi thể chế này vẫn chịu ảnh hưởng của Gadhafi vì nhiều người trong số họ vốn là cộng sự gần gũi của Gadhafi.

Theo chuyên gia Pierre Cherruau, người dân nước này vốn gắn bó sâu sắc với đạo Hồi, nếu được hỏi ý kiến sẽ chỉ chấp nhận đạo Hồi như nền tảng chủ chốt của thể chế tương lai. Nếu TNC muốn thành lập Nhà nước thế tục thì sẽ không nhận được sự ủng hộ của họ. Đấy là chưa nói đến nguy cơ Hồi giáo cực đoan trở lại chính trường sau khi Gadhafi bị lật đổ.

Báo "Le Quotidien d'Oran" dẫn lời ông Yves Bonnet - cựu Giám đốc Cơ quan phản gián Pháp, cho rằng, khi ủng hộ TNC lật đổ Gadhafi, phương Tây đã dọn đường cho Hồi giáo cực đoan ở Libya. Chế độ Gadhafi sụp đổ có nguy cơ dẫn đến sự ra đời của một chế độ chống phương Tây còn cực đoan hơn và không dân chủ hơn.

Người ta đưa ra những con người cởi mở, hòa nhã và dễ tiếp cận để làm hài lòng phương Tây. Nhưng đằng sau những con người đó chỉ là các gương mặt cũ của chế độ cũ và những kẻ Hồi giáo cực đoan cố gắng không để lộ bộ mặt thật của mình. Nhánh al-Qaeda ở Libya vẫn hoạt động rất tích cực ở Cyréna'que, một vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo. Tồi tệ nhất là Libya bị chia cắt gây bất ổn cho các nước như Nigie hay Mali.

Chuyên gia Pierre Cherruau cũng nhận xét mọi thứ phải xây dựng lại từ đầu với việc đầu tiên là soạn thảo Hiến pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Về hình thái tương lai của Nhà nước ở Libya, ông cho rằng một hệ thống liên bang là dễ chấp nhận nhất đối với một nước như Libya vì vấn đề kiểm soát dầu mỏ nên thuộc trách nhiệm của Nhà nước liên bang cộng với trao nhiều quyền cho chính quyền các vùng. Tất cả những gì được nhìn nhận như một hệ thống quá tập trung sẽ có rất nhiều nguy cơ bị người dân Libya bác bỏ.

Chính quyền mới dự kiến thành lập một lực lượng tác chiến 10.000-15.000 người, trong đó tuyển mộ 5.000 cảnh sát làm lực lượng an ninh, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho thủ đô và truy bắt người của Gadhafi.

TNC dự kiến sử dụng lại hạ tầng của chế độ cũ. Ưu tiên hàng đầu là tránh cho đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn như ở Iraq trước đây. Chính quyền mới sẽ tuyển mộ cán bộ chính quyền cũ nhằm bảo đảm tính tiếp tục của các thể chế.

Theo TNC, hiện có khoảng 800 cán bộ lãnh đạo của chính quyền cũ đã được thu nhận sẽ tạo thành nòng cốt cho chính quyền mới. Viễn thông, vận tải và ngành năng lượng sẽ được khởi động trở lại ngay sau khi chế độ Gadhafi sụp đổ hoàn toàn.

Nhưng trong trường hợp này, chuyên gia René Dassie không loại trừ nguy cơ xảy ra tình hình giống như ở Iraq năm 2003. Những người bị loại trừ sẽ tạo thành các nhóm chống đối cố thủ ở cứ địa của mình và tiếp tục hoạt động gây bất ổn chống lại chính quyền tương lai không sử dụng họ. Như vậy, chính phủ vẫn sẽ chỉ đại diện cho một bộ phận dân chúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem