Thưa ông Lê Anh Xuân để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD mà Thủ tướng giao cho ngành tôm thì ngay từ bây giờ, dưới góc nhìn của một nhà khoa học, ông có kiến nghị gì?
Bác sỹ tôm - Ths.NCS Lê Anh Xuân
Ths.NCS Lê Anh Xuân: Chúng ta phải coi con tôm là ngành công nghiệp, đầu tư xứng tầm hơn: cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống kênh thủy lợi, nước. Tôm không có điện hay thiếu điện là rất nguy hiểm. Nông dân mà nuôi tôm bằng điện 1 pha khác nào "tự sát". Hiện nay, tôm chết do thiếu oxy nhiều lắm. Đường đi thuận lợi thì sẽ khiến thương lái bớt ép giá. Nước mà lấy khó không đạt chuẩn thì cũng khiến tôm không phát triển, thậm chí chết.
Chúng ta cũng phải quản lý chặt các yếu tố đầu vào: thức ăn, con giống, thuốc, nhân rộng và quảng bá những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong dân để những người khác học theo.
Những mô hình này phải ưu tiên cao cho bảo vệ môi trường và tuyệt đối không dùng hóa chất. Đảm bảo tôm không nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm. Càng ngày rào cản KHKT sẽ càng tăng lên nên phải đưa khoa học ứng dụng vào sản xuất, nuôi tôm; liên kết các chuỗi vụ - viện trường - nhà quản lý gắn với nông dân và doanh nghiệp để hỗ trợ nhau.
Và cuối cùng, phải tạo thương hiệu với con tôm Việt Nam trên trường thế giới. Muốn tạo thương hiệu con tôm Việt Nam thì phải có trách nhiệm từ người nuôi, doanh nghiệp tất cả vì bảo vệ môi trường. Nuôi tôm mà không bảo vệ môi trường thì sao phát triển bền vững được.
Chúng ta cũng phải dự báo được quy luật cung cầu ở trong và ngoài nước. Không dự báo được nông dân sẽ dính vào được mùa mất giá. Phải có cơ chế quản lý chặt doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến thủy sản. Không để cho doanh nghiệp ép giá người nuôi tôm. Nhiều doanh nghiệp, thương lái cứ viện dẫn: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan... đang được mùa nên tôm mua rẻ như vậy rất thiệt cho người nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.