Chỉ là 1 ngày trong 365 ngày, ngày 8.3 liệu có gì mà phải cần chộn rộn? Nhất là với những phụ nữ ở nông thôn còn gánh chịu rất nhiều thiệt thòi, thì cái Ngày Quốc tế Phụ nữ có lẽ chỉ khiến họ phải chạnh lòng nhiều hơn khi nghĩ đến cái giới tính trời ban của mình.
Đừng tưởng chỉ có cánh đàn ông mới ghét ngày 8.3 khi phải đau đầu nghĩ mua quà gì tặng vợ. Trong bối cảnh mà sự bình đẳng giới ở Việt Nam mới chỉ được thể hiện lớt phớt bề ngoài, thì có lẽ giới nữ lại là những người ghét ngày 8.3 hơn cả cánh mày râu.
Chỉ là 1 ngày trong 365 ngày của năm, ngày 8.3 liệu có gì mà phải cần chộn rộn? Nhất là với những phụ nữ ở nông thôn còn gánh chịu rất nhiều thiệt thòi, thì cái Ngày Quốc tế Phụ nữ có lẽ chỉ khiến họ phải ý thức nhiều hơn, chạnh lòng nhiều hơn khi nghĩ đến cái giới tính trời ban của mình.
Phụ nữ cần nhiều hơn là 1 ngày 8.3 được tung hô, được tặng hoa tặng quà bởi 364 ngày còn lại của năm, những vấn đề của họ vẫn còn nguyên đó. Khi những người đàn ông còn chưa ý thức được sự bình đẳng của một giới tính khác đồng hành suốt cuộc đời họ. Những người cha còn ghẻ lạnh với đứa con gái mới chào đời, những bào thai mang giới tính nữ không có cơ hội được nhìn thấy ánh mặt trời. Những người vợ, người mẹ bị nói chuyện bằng bạt tai và cùi chỏ, bằng bạo hành tinh thần, không được chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Khi nào trong xã hội không còn những số phận phải gánh chịu bất hạnh vì bình đẳng giới, thì ngày 8.3 mới không còn gợi nên nỗi xót xa.
Theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu Vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà Nội, mỗi ngày trung bình một phụ nữ dành ra 3 giờ để làm việc nhà, còn đàn ông dành… 8 phút. Còn 2 giờ 52 phút lúc người vợ làm “quần quật”, đa số đàn ông “tiêu” ở các quán bia. Chả thế mà các quán bia rượu thường đông nghịt từ lúc 4 giờ chiều đến 9-10 giờ tối. Đó chắc chắn là những người đàn ông không phải đón con, không cần đi chợ, nấu ăn, dọn nhà, giặt giũ… Ai sẽ làm việc đó nếu không phải những người vợ?
Bao nhiêu người trong giới mày râu quan tâm đến chỉ số bình đẳng giới (GEI) được đo bằng số lượng phát triển của phụ nữ trong 3 lĩnh vực giáo dục, kinh tế và tham chính? Bao nhiêu người biết rằng Việt Nam chưa bao giờ được lọt vào top các nước có chỉ số GEI cao của khu vực Đông Nam Á?
Chỉ một ngày trong năm là quá ít ỏi với những bất bình đẳng đang kéo dài lê thê từ đời này sang kiếp khác của những người phụ nữ. Để thay đổi điều này trong tương lai, có lẽ không ai làm tốt hơn những bà mẹ hôm nay, họ phải biết dạy bảo các bé gái, bé trai biết tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác giới. Nếu ai trong chúng ta cũng ý thức được điều này, thì vẫn còn kịp cho những thế hệ tiếp theo. Bao giờ trong xã hội có được một môi trường bình đẳng giới thật sự, để ngày 8.3 thật sự có ý nghĩa.
Lê Tâm - Tuấn Kiệt (Lê Tâm - Tuấn Kiệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.