Muốn bán trái cây cho Anh, Mỹ, doanh nghiệp cần lưu ý điều này
Muốn bán trái cây cho Anh, Mỹ, doanh nghiệp cần lưu ý điều này
Khánh Nguyên
Thứ tư, ngày 13/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Hiện tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của thế giới, trong khi nhu cầu của các thị trường vẫn rất cao. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trái cây.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 - 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trái cây.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, nhập khẩu hàng rau quả của thế giới quý I/2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý I/2020.
Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, rau, quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 - 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khi đó, với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Việt Nam sở hữu nhiều loại trái cây ngon, có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu lớn.
Hiện nay, trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cũng đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU.
Giúp HTX xuất khẩu trái cây vào các thị trường mới
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã huy động các nguồn lực hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng, các HTX sẽ có cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây để vừa duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ,... vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới như Tây Á, Nam Á.
Tại hội nghị trực tuyến "Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của các hợp tác xã (HTX) với các thị trường nước ngoài tiềm năng" được Liên minh HTX tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - chia sẻ, nhiều HTX đã đưa những sản phẩm thế mạnh tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế.
Đa số các HTX nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu đã được chứng nhận kiểm soát an toàn thực phẩm.
Cần đầu tư bài bản để xuất khẩu trái cây vào thị trường khó tính
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn còn có hạn chế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; 90% lượng trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế; dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao; tình trạng được mùa mất giá do cung vượt cầu; các HTX chế biến trái cây sử dụng nhiều lao động phổ thông...
Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, mặc dù vài năm trở lại đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan (thanh long, vải, nhãn, chanh dây) nhưng số lượng không nhiều.
Tại Hà Lan, trái cây Việt Nam nhập khẩu đa số phần phối tại các siêu thị châu Á hay các cửa hàng chuyên rau quả của người Thổ, Ấn Độ hay Pakistan.
Để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu thực sự là quá trình lâu dài, theo bà Diệp, các HTX đòi hỏi sự đầu tư lớn: từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần) và quan trọng mà các nhà nhập khẩu Hà Lan yêu cầu là nguồn cung ổn định (trừ các loại theo mùa vụ như vải, nhãn).
Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh - nêu rõ, tại sao nước Anh không mua trái cây trực tiếp từ Việt Nam, vì người Anh không muốn kinh doanh với người lạ, họ chấp nhận mua hàng Việt Nam qua Hà Lan, Pháp, hay Đức, Séc, nhằm giảm rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng.
"Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng trực tiếp thì phải dành được niềm tin của người Anh giống như người Thái Lan, Singapore dành được niềm tin của Anh"- ông Cường chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.