Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sách do NXB Tổng hợp TP HCM xuất bản, vừa được phát hành đầu tháng 9 vừa qua. Cuốn sách gói gọn trong 240 trang, gồm 38 bài viết, nội dung được tác giả nhóm thành ba chủ đề chính gồm: Việc quốc gia đại sự của các vị vua Việt; Đời sống riêng của vua chúa; Muôn chuyện ngoài cung đình.
Qua từng phần sách, độc giả có dịp tìm hiểu nhiều các mặt hoạt động của triều đình phong kiến nước ta thời xưa, từ nghi lễ, nghi thức cung đình, việc tuyển chọn, bổ nhiệm người tài, cho đến việc xử lý các công việc triều chính khác nhau của mỗi vị vua.
Như chuyện thời xưa nước ta gọi vua bằng gì, bạn đọc sẽ được khám phá những quy định cách xưng hô của vua qua các triều đại lịch sử nước Việt. Ai cũng biết, bề tôi thường gọi vua là "Bệ hạ", còn vua xưng là "Trẫm", nhưng thời Lý Thánh Tông, nhà vua ban lại chiếu xuống cho các quan khi có việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "Triều đình". Còn vua Trần Thái Tông lại xuống chiếu cho thiên hạ gọi mình là "Quốc gia", khiến các sử quan đời sau chép trong các bộ sử lớn của nước ta cũng phải thắc mắc.
Nói về chuyện tuyển chọn người tài dưới phong kiến, các vua thường bổ nhiệm người thân cận, hoặc tuyển chọn người tài qua khoa cử, hay bổ nhiệm qua tiến cử của đại thần. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt được vua "bổ nhiệm thần tốc" vì nhận thấy tài năng vượt trội của bề tôi. Trường hợp của Đoàn Nhữ Hài là một ví dụ. Ông không phải là người thân cận, nhưng nhờ kiến thức vững chắc chỉ qua tự học, không qua khoa cử, chưa trải kinh nghiệm quan trường, nhưng ông vẫn được vua Trần Anh Tông tin dùng.
Hoặc với những độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua nước ta đi lại bằng xe gì, phương tiện nào được vua sử dụng nhiều nhất, cưỡi voi, cưỡi ngựa hay đi thuyền? Qua cuốn sách này, tác giả khảo các sách sử nước ta cho biết, thời Lê sơ, khi xuất hành nhà vua có 5 thứ xe (ngũ lộ): gồm ngọc lộ, kim lộ, tượng lộ, cách lộ, mộc lộ, nhưng về sau các thứ xe này dần bị bỏ đi. Thời Lê Trung hưng, các vua chúa đi đâu chỉ dùng kiệu kim long (chạm rồng dát vàng) và kiệu kim quy (chạm rùa vàng), chứ không ngồi xe.
Sang thời Nguyễn, đời vua Gia Long, các xe của vua chỉ có 4 chiếc, 1 chiếc ngọc lộ, 1 chiếc kim lộ và 2 chiếc kim bảo dư. Sang thời Minh Mạng quy chế "ngũ lộ" dành riêng cho nhà vua được khôi phục trở lại.
Bên cạnh những chuyện có tính "Quốc gia đại sự", bạn đọc còn được khám phá những khía cạnh khác nhau về đời sống rất riêng tư của các vị vua, từ dung nhan các vị vua, vua ăn tết, vua ngủ, chuyện ăn uống của vua, vua trổ tài xem tướng, vua chi tiêu, vua tiêu khiển, vua rèn luyện thân thể như thế nào...
Ví dụ như nói về dung mạo của các vị vua chúa Việt xưa, thì theo pháp luật, dân thường tuyệt đối không được phép nhìn mặt vua. Liên quan đến việc miêu tả dung nhan của các vua, tác giả cho biết những vị vua nào được sử sách mô tả (mang tính ước lệ) là "mặt rồng", "dáng rồng", "dáng vẻ thiên tử", "thần thái nghiêm trang", vua nào được sứ thần nước ngoài khen là... đẹp trai.
Hay như nói về chuyện vua rèn luyện thân thể như thế nào, tác giả sách cho biết trước kia, các vua cũng phải tập các môn võ nghệ như quyền cước, đánh kiếm đâm thương… Còn từ thời Nguyễn khi vũ khí phát triển vua không tập cung tên nữa, nhưng vẫn tập cưỡi ngựa, bắn súng.
Thời Nguyễn, vua Thành Thái còn bắt đầu đạp xe đạp. Đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, nhờ sang Pháp du học từ nhỏ nên vua thông thạo nhiều môn thể thao phương Tây như: tennis, golf, cưỡi ngựa, chạy môtô, ôtô tốc độ, lướt ván, điều khiển thuyền buồm, thậm chí, vua còn biết lái cả máy bay cá nhân.
Cũng trong cuốn sách, tác giả sẽ cùng độc giả giải đáp những thắc mắc như vua ăn gì khi đi đánh trận? Vua uống rượu ra sao, những vua nào mê rượu? Lúc còn trẻ vua phải học hành thế nào? Những vị vua Việt nào mắc bệnh lạ, đó là loại bệnh gì?...
Sách cũng đề cập những câu chuyện mà nay vẫn mang tính thời sự như các vị vua nước ta xưa chống tham nhũng thể nào? Các vị vua dùng cách nào để ngăn nhân dân đánh bạc, khi có dịch bệnh lan truyền vua chỉ đạo xử lý thế nào?
Chia sẻ về lý do viết cuốn sách này, nhà báo Lê Tiên Long cho biết, bản thân anh vốn đam mê lịch sử từ nhỏ. Đam mê này bắt nguồn từ hồi còn học lớp 1, khi anh khám phá ra tủ sách của ông ngoại với rất nhiều sách sử, hoặc sách kể các giai thoại lịch sử.
Từ việc say sưa đọc những cuốn sách này, nhất là các câu chuyện về đời sống các vị vua triều Nguyễn, anh đã tìm tòi các câu chuyện tương tự từ nhiều nguồn, các kênh khác nhau, từ sách sử, giai thoại, đến các tư liệu xưa và cả những nghiên cứu của các tác giả gần đây.
Trong quá trình tìm tòi này, anh đã phát hiện ra lịch sử nước ta còn rất nhiều câu chuyện thú vị về các vị vua chúa, nằm rải rác ở nhiều nhân vật, thời đại, hay ở những cuốn sách khác nhau, nhưng chưa được báo chí, sách vở khai thác và độc giả biết tới.
Mặt khác, qua quá trình này, tác giả sách còn thấy có không ít câu chuyện, những tư liệu lịch sử ghi lại hành trạng của một số ít các vua (không phản ánh toàn bộ các vị vua trong lịch sử nước ta) cũng có thể khiến đời sau không nắm được trọn vẹn được chi tiết lịch sử nước nhà.
Chính vì vậy, nhà báo Lê Tiên Long đã chắt lọc tư liệu, đối chiếu thông tin, viết và tập hợp các câu chuyện này thành cuốn Vua chúa Việt và những điều ít biết, với mong muốn nó sẽ trở thành một tài liệu khảo, một món ăn nuôi dưỡng niềm yêu thích lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho những người yêu lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ.
Cuốn sách này còn giúp độc giả khám phá nhiều câu chuyện "thâm cung bí sử" thú vị khác như quan điểm của các vị vua Việt Nam về phong thủy, hay vua chúa nước ta xây hành cung thế nào, việc bảo vệ an toàn của vua ra sao...
Tóm lại, với việc khai thác những câu chuyện về vua chúa ít được biết tới, nằm rải rác, chưa được tổng hợp lại, sách Vua chúa Việt và những điều ít biết không chỉ kể những câu chuyện hấp dẫn, thú vị, mà còn giúp chúng ta biết thêm các khía cạnh khác nhau của lịch sử nước nhà.
Cuốn sách là một nguồn tư liệu tham khảo thú vị cho những ai quan tâm đến chủ đề cuộc sống, sinh hoạt của vua chúa Việt Nam mà sách vở ngày nay chưa khai thác nhiều.
Nhà báo Lê Tiên Long từng công tác tại các báo điện tử VnMedia, VnExpress, Truyền hình Cáp Việt Nam. Anh là cộng tác viên thường xuyên cho các chuyên mục tư liệu, văn hóa, Đông Tây – kim cổ của báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.