Ngày 9/1/2020, tại trụ sở Viettel, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Tại đây buổi làm việc, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã báo cáo thành tựu của Viettel từ giai đoạn 2000 đến nay. Theo đó, từ một doanh nghiệp nhỏ trực thuộc Binh chủng Thông tin, đến nay Viettel đã trở thành một Tập đoàn Kinh tế hàng đầu Việt Nam, đứng top đầu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước.
So với năm 2000, đến nay Viettel đã có doanh thu tăng trưởng 4.700 lần, lợi nhuận tăng trưởng trên 27.000 lần, nộp ngân sách tăng trưởng hơn 9.000 lần.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về các lĩnh vực Viễn thông trong và ngoài nước, các nhiệm vụ quốc phòng an ninh với kinh tế, Viettel đã sản xuất cung cấp, đảm bảo kỹ thuật các trang bị quân sự công nghệ cao đóng góp vào quá trình hiện đại hóa quân đội, giúp nhiều quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, làm chủ được quá trình nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hạ tầng Viễn thông giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia.
Cùng với đó Viettel đã làm chủ được các công cụ giám sát, quản lý và tác chiến trên không gian mạng để bảo vệ người dùng trên internet, bảo vệ các hệ thống, bảo vệ chủ quyền số quốc gia trước các thông tin độc hại từ bên ngoài
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những kết quả đã đạt được và sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn qua hơn 30 năm hình thành và phát triển và trở thành hình mẫu tập đoàn Nhà nước tiêu biểu của Việt Nam, có đủ sức cạnh tranh khu vực và tiến tới toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Bình
Nhấn mạnh Đảng ta chủ trương kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là then chốt để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trong đó các doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong việc mở đường và tạo thị trường, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Viettel cần tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, an ninh mạng; coi con người và khoa học công nghệ là yếu tố quyết định; tập trung nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu phát triển; lựa chọn đối tác chiến lược đúng đắn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị Viettel cần tổng kết những điểm thành công trong quản trị và cơ chế tài chính để nhân rộng trong việc phát triển các doanh nghiệp nhà nước.
Trước các cơ hội và thách thức do cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình đề nghị cần hạn chế tối đa việc cấm đoán để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển; cần coi đây là cuộc chạy đua trong đó xã hội và nhà nước cùng phải mạnh để tạo ra hành lang phát triển tối đa giúp đất nước thực hiện được mục tiêu bắt kịp và đi cùng với sự phát triển của thế giới.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Viettel, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh thêm, chuyển đổi số sẽ giúp đất nước phát triển và nhảy vọt còn nếu không mãi sẽ là người đi sau. Ông Bình hy vọng Viettel sẽ là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và nắm bắt được thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 để tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Tại sự kiện, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Đăng Dũng kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan để có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định số 95/2014/NĐ-CP (quy định về cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN) và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTC-BKHCN (về hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp) theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động KH&CN; Doanh nghiệp nhà nước được thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo như mua bán sát nhập doanh nghiệp công nghệ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa công nghệ…
Cùng với đó, Viettel cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị để ra nghị quyết về khuyến khích và tăng cường sử dụng thiết bị hạ tầng viễn thông đã sản xuất được tại Việt Nam vì đây là nền tảng quan trọng nhất của một nền kinh tế số - nếu không an toàn thì nền kinh tế đó cũng sẽ không an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.