Muốn đi bộ đúng luật cũng khó

Thứ sáu, ngày 09/04/2010 08:15 AM (GMT+7)
NTNN - Từ 20-5, người đi bộ ở nội thành Hà Nội, TPHCM nếu phạm Luật Giao thông sẽ phải chịu mức phạt cao hơn các địa phương khác.
Bình luận 0
img
Vỉa hè, hành lang cho người đi bộ tại nhiều tuyến phố Hà Nội đã bị chiếm dụng để xe máy.

Tuy nhiên, với tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm; thiếu đường ngang, cầu, hầm đi bộ, nhiều người không biết đi thế nào cho đúng luật.

Phố cổ Hà Nội là khu vực người đi bộ đông đúc nhất thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, việc đi bộ tại đây lại khó khăn và nguy hiểm. Các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc luôn có tình trạng xe máy để chắn hết vỉa hè. Nhiều đoạn chừa lại cho khách bộ hành khoảng trống giữa xe máy và hàng quán lại vướng người ngồi uống nước quán cóc, hay những tủ đựng hàng.

Thậm chí, có căn nhà lồi ra sát mép đường. Tại phố Tạ Hiền, xe máy để cả hàng dài từ vỉa hè xuống lòng đường, người đi bộ phải đi dưới lòng đường.

img Muốn xử phạt người đi bộ trước hết phải có đường đi thuận lợi cho họ. Với cơ sở hạ tầng hiện nay, Hà Nội là một trong những thành phố nguy hiểm đối với những người đi bộ như trẻ em và người già. Nếu cơ sở hạ tầng thiếu thốn; việc xử phạt người đi bộ không thực hiện như hiện nay thì sẽ dẫn đến hiện tượng người dân nhờn luật.
img

 TS. Khuất Việt Hùng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý giao thông vận tải

Hàng năm, các cơ quan chức năng Hà Nội liên tục mở các chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chiến dịch này chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Vỉa hè phố Hàng Cá (trước cổng trụ sở Công an phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) là xe máy và bàn ghế của các quán ăn; người đi bộ không thể chen chân.

Các điểm cho người đi bộ qua đường cũng rất ít. Trên các đại lộ Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi... có đoạn dài gần 2km không có một đường ngang dành cho người đi bộ sang đường.

Thậm chí, các địa điểm đông người đi bộ qua lại như Bến xe Giáp Bát, hay Bến xe buýt Nam Thăng Long... không có cầu hay hầm đi bộ. Là một thành phố lớn, nhưng Hà Nội mới chỉ có 5 cầu vượt cho người đi bộ (hiện đang triển khai xây mới 18 cầu nữa).

Nghị định 34/2010 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 20-5-2010) quy định: Tại khu vực nội thành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đối với các hành vi không đi đúng phần đường, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, người điều khiển giao thông sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60-80 nghìn đồng (mức chung của cả nước là 40-60 nghìn đồng).

Các hành vi vượt qua dải phân cách, qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn bị phạt từ 80-120 nghìn đồng đối với mỗi hành vi vi phạm (mức chung 60-80 nghìn đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem