Muôn nẻo cà phê phố

Cúc Tần Chủ nhật, ngày 23/04/2017 06:20 AM (GMT+7)
Hồi xửa hồi xưa, có lẽ cà phê theo chân thực dân Pháp vào đất nước ta. Lần hồi nó được “tiệm nước hóa”, trở thành thức uống buổi sáng của thị dân, nhất là giới bình dân.
Bình luận 0

Tiệm nước là nơi bán hủ tiếu, mì cùng một số bánh ngọt. Vào đây ăn sáng xong, người ta nhấm nháp ly cà phê cho tỉnh người. Cà phê có vài loại, gọi theo tiếng Quảng Đông, như: “Tài chừng” là cà phê đen lớn; “xây chừng” là cà phê đen nhỏ; “xây nại” là cà phê sữa... Khách không ăn sáng thì kêu ly cà phê, xé đôi cái “giò chá quẩy” nhúng vào mà ăn.

img

Cà phê ở các tiệm nước được pha khá cầu kỳ.  Ảnh: T.L 

Cũng được “lót lòng” khá ấm bụng. Ngoài cách ngồi bình thường còn có kiểu ngồi “nước lụt” theo phong cách... miệt vườn. Đó là ngồi một chân đặt trên mặt ghế, chân kia thòng dưới đất. Uống cà phê khi xưa có một kiểu lạ, là người ta chế cà phê ra cái đĩa lót ly, thổi cho bớt nóng mới cầm dĩa lên húp từng hớp một cách sảng khoái. Uống như vậy được mọi người khen là dân sành điệu, biết chơi.

Cà phê ở mấy tiệm nước được pha khá cầu kỳ. Cà phê bột được cho vào cái túi vải hình chóp may cặp cọng dây chì làm vành có cán để cầm và máng khi giặt phơi. Túi này đặt vào lòng siêu đất, chế nước sôi rồi cầm đũa khuấy đều. Sau đó chuyển túi sang ca thiếc, chế nước cà phê vào túi, cầm đũa khuấy tiếp. Làm vài lần theo đúng nhu cầu, túi cà phê được đặt vào nòng thiếc để trên miệng siêu. Nước cà phê từ túi vải rỏ xuống lòng siêu. Siêu đặt trên thùng thiếc cao đựng nước. Nước sôi để pha cà phê, còn khi chưa cần thì để nước sôi tim nhằm giữ cà phê trong siêu lúc nào cũng nóng. Nhưng giữ lâu quá thì thành cà phê kho – có vị chua, khách chê.

Bây giờ các tiệm lớn, các quán cóc hầu như khắp miền Tây đều có bán cà phê phin. Loại cà phê này, hồi sau năm 1975 người ngoài Bắc vào gọi là “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Một hình ảnh ví von thú vị. Nhưng thuở ấy, thú vị hơn là có một thứ cà phê có tên gọi nửa Tàu nửa ta, là “lưng chừng”. Lưng chừng là nửa cái xây chừng. Ly cà phê nhỏ chỉ còn một nửa. Sở dĩ có tình trạng này là vì thời bao cấp ai cũng nghèo. Uống cái lưng chừng chỉ có một nửa giá cái xây chừng, hợp túi tiền hẻo của họ. Khi kinh tế phát triển, lưng chừng kết thúc “sứ mạng” của nó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem