Mượn tiền, xây cầu cho nông dân

Thứ tư, ngày 08/09/2010 08:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Bùi Trung Ơn (Hai Ơn), xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang không ngần ngại góp tiền làm cầu, đường, mua xe cứu thương, hiến đất xây nơi chữa bệnh cho bà con nông dân.
Bình luận 0

"Nhìn cầu Đòn Dong cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, địa phương cũng bức bối lắm nhưng do kinh phí xây dựng quá lớn nên chưa có cách nào thực hiện được" - ông Đặng Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh, phân trần. Là người gắn bó với Vĩnh Khánh, ông Hai Ơn mạnh dạn đề xuất với chính quyền xã để ông góp 55% kinh phí và đứng ra vận động người dân cùng xây dựng cầu Đòn Dong mới.

img
Ông Hai Ơn - tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi ở An Giang.

Ông Đoàn Minh Triết - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho hay: "Nghe địa phương báo cáo về tấm lòng hảo tâm của anh Hai Ơn, UBND huyện xin ý kiến của Huyện ủy và quyết định đặt tên anh cho cây cầu mới". Từ nghĩa cử hào hiệp của ông Hai Ơn, nhiều Mạnh Thường Quân, người dân trong, ngoài huyện đã đóng góp xây cầu.

Như vợ chồng anh Minh Lý ủng hộ 2 lượng vàng SJC, anh Châu Tấn Thọ đóng góp 10 triệu đồng, ông Lê Văn Nưng (Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn) góp 2 triệu đồng và vận động ủng hộ gạo cho công nhân trong suốt thời gian thi công; ông Quách Minh Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn) tài trợ mỗi ngày 1 cây nước đá; bác Hai Sưu (xã Vĩnh Khánh) đến dựng lán trại, lập bếp nấu cơm phục vụ cho đội thi công; cô Bảy Nga hàng ngày đi xin rau, cá trong xã phụ cho bữa ăn thêm chất…

Cầu Bùi Trung Ơn lúc đầu dự tính xây hết khoảng 1 tỷ đồng, nhưng lúc khởi công lên 1,24 tỷ đồng, chưa kể chi phí phát sinh trong quá trình thi công. Ông Hai Ơn đánh liều đi mượn người quen cả trăm triệu đồng để xây cầu rồi… bán cá, bán heo trả nợ. Giữa tháng 8-2010, công trình hoàn thành, tổng kinh phí lên gần 1,7 tỷ đồng, trong đó, gia đình ông góp 931 triệu đồng.

Nhiều người biết ông Hai Ơn về làm kinh tế giỏi và hào hiệp. Năm 1979, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, đi dạy một thời gian ông xin nghỉ vì đồng lương ít ỏi không đủ nuôi gia đình 6 miệng ăn.

Ông về quê trồng lúa, rồi thuê đất trồng mè, đậu xanh, các loại cây ngắn ngày kết hợp nuôi heo, thả cá… Cuộc sống ổn định, ông noi gương cha làm từ thiện. Bên cạnh đóng góp làm cầu, đường, mua xe cứu thương, ông còn hiến 1.000m2 đất, vận động trên 200 triệu đồng xây dựng tổ y tế để làm nơi chăm sóc sức khỏe ND.

Ở tuổi 55 và đang mang bệnh hiểm nghèo, ông vẫn thực hiện mơ ước xây dựng "ngôi nhà" cho… những người đã khuất. "Tôi đã vận động một hộ dân hiến 5.000m2 đất vườn để làm nghĩa trang từ thiện. Vài tháng nữa, tôi sẽ đầu tư xây dựng khuôn viên, rồi lập trại hòm từ thiện, đội mai táng... để giúp cho bà con nghèo không may gặp chuyện tang ma. Mình có điều kiện, còn sức thì đóng góp cho quê hương" - ông Hai Ơn tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem