Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty này cho rằng, doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu giống này phải chia sẻ quyền SHTT mà Hoàng Phát đã đăng ký độc quyền từ Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam.
Ông Huy yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM giám sát các lô hàng thanh long ruột đỏ xuất khẩu. Nếu là giống LĐ1, đơn vị xuất khẩu phải trả cho Hoàng Phát 100 đồng/kg.
Bằng bảo hộ giống LĐ1 của công ty Hoàng Phát
“Trong quá trình giám sát các lô hàng xuất khẩu, nếu phát hiện nghi ngờ là giống LĐ1, Cục Hải quan TP.HCM phải chặn lô hàng lại. Chủ hàng phải kiểm tra lại giống. Nếu kết quả là giống LĐ1 thì phải liên lạc với Hoàng Phát để giải quyết. Ngược lại, nếu ra giống khác, Hoàng Phát sẽ chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho chủ lô hàng đó”, ông Huy nói.
Ông Huy cho rằng, việc yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ quyền tác giả đối với giống LĐ1 nhằm đảm bảo quyền lợi của tác giả và nông dân Việt Nam. Vì hiện nay, đã xảy ra tình trạng giống được mua bán tràn lan, thậm chí Campuchia đã trồng giống thanh long ruột đỏ LĐ1 với số lượng lớn. Trong tương lai, nếu nước này đẩy mạnh xuất khẩu thì quyền lợi của doanh nghiệp Việt sẽ bị hạn chế.
Theo ông Huy, cái khó hiện nay là giống LĐ1 đã được trồng tràn lan trong nông dân. Thậm chí hom giống còn được cho không hoặc bán với giá rẻ bèo, 2.000 – 3.000 đồng/hom.
“Bằng mắt thường, rất khó để phân biệt với các giống thanh long ruột đỏ khác. Hoàng Phát được Viện cấp một bộ mã gen của giống LĐ1. Muốn xác định nguồn gốc lô trái cây buộc phải thực hiện phân tích mã gen”, ông Huy nói.
Trước đó, Phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM phát hành công văn “Thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu” đối với thanh long ruột đỏ giống LĐ1 theo đơn yêu cầu giám sát của Công ty Hoàng Phát.
Theo nội dung công văn này, Hoàng Phát phản ánh, hiện nay có một số công ty tại Việt Nam đang xuất khẩu quả thanh long có dấu hiệu xâm phạm giống cây mà Hoàng Phát đã đăng ký độc quyền. Hoàng Phát đề nghị Hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền SHTT theo quy định của pháp luật.
Hoàng Phát yêu cầu doanh nghiệp phải chia sẻ tác quyền nếu muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1
Trên cơ sở đó, Phòng Giám sát quản lý đề nghị các đơn vị trực thuộc lưu ý thực hiện việc kiểm tra, giám sát về SHTT đối với sản phẩm là trái thanh long ruột đỏ LĐ1 mà Công ty Hoàng Phát đã yêu cầu.
Đồng thời chú ý danh sách các công ty bị nghi ngờ xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quvền SHTT do Hoàng Phát cung cấp để xử lý theo đúng quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT.
Theo ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), giống LĐ1 hiện đã được khá nhiều nhà vườn sử dụng. Dù biết rằng LĐ1 là giống độc quyền của doanh nghiệp nhưng khi HTX hoặc đơn vị thu mua trái thì rất khó để phân biệt (khó giám sát truy xuất ).
Theo ông An, diện tích thanh long ruột đỏ hiện đã xấp xỉ thanh long ruột trắng. Sản phẩm này có giá cao hơn nhiều so với thanh long ruột trắng tuy nhiên thị trường xuất khẩu còn hạn chế, chủ yếu xuất tươi sang Trung Quốc.
Trao đổi nhanh với Dân Việt, ông Trần Xuân Định- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: "Việc áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với các giống cây trồng do tổ chức, cá nhân nghiên cứu, lai tạo ra được thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được bảo hộ về quyền tác giả đối với giống cây trồng đó".
Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể việc Công ty Hoàng Phát Fruit có được thu phí xuất khẩu 100 đồng/kg đối với giống LĐ1 không, ông Định cho biết, cần liên hệ với Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng để nắm cụ thể.
Trước đó, tháng 5.2017, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã tiến hành chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Viện lai tạo cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng, thời hạn bảo hộ đến năm 2037.
Đây là lần thứ hai Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam chuyển giao giống được bảo hộ bản quyền sau giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 cho Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu vào năm 2013.
|
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.