Mưu sinh trên đỉnh đèo Chư Sê

Thứ hai, ngày 27/08/2012 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 10 năm nay, người dân thiếu đất sản xuất trên đỉnh đèo Chư Sê (xã HBông, huyện Chư Sê, Gia Lai) phải mưu sinh bằng nghề chăn bò thuê.
Bình luận 0

Điều đáng buồn là những đứa trẻ của “xóm bò” này cũng đang bị những đàn bò “gặm nhấm” tương lai khi con chữ cứ xa vời vợi...

Xóm chăn bò thuê

Khoảng năm 2004, nhận thấy trên đỉnh đèo Chư Sê có tiềm năng chăn thả gia súc với những cánh đồng cỏ rộng hàng ngàn ha, các doanh nghiệp trong tỉnh đã lập nên những trang trại nuôi bò với quy mô lớn dọc hai bên đường lộ. Người dân nơi đây lạ lẫm nhưng cũng dần quen với nghề “chăn bò thuê”.

img
Những đứa trẻ theo sau lưng bò thay vì theo lấy con chữ.

Để được các ông chủ “chọn mặt gửi… bò” cũng không phải chuyện đơn giản. Những người đi chăn bò thuê phải lanh lợi, một mình quán xuyến được trên 50 con bò, không để bò đi lạc, không để bò ăn hoa màu của dân...

Ông Ksor Bơn (làng Kate 2) cho biết: “Nghề chăn bò thuê tuy vất vả nhưng cũng có tiền. Những gia đình có ít đất sản xuất thì chỉ bố mẹ đi làm thôi còn cho con cái đi chăn bò thuê hết”.

“Hiện có tới gần 100 đứa trẻ của các làng bị thất học vì phải đi chăn bò. Chính quyền biết đó nhưng cũng không có cách nào để giải quyết”.

Ông Siu Ku Ao

Hỏi về nỗi vất vả của nghề chăn bò thuê, đều nhận được một câu trả lời chung: Chăn bò thì ngày nào cũng như ngày nào, có đau ốm cũng phải lùa bò ra đồng. Cực nhất là vào mùa khô, đồng gần hết cỏ, phải lùa bò đi xa, đến chiều phải gánh nước cho bò uống. Nếu bò ăn hoa màu của dân thì sẽ bị chặt chân, chủ sẽ bắt đền tiền…

Cuộc sống quá khó khăn, vất vả khiến không ít người dân nơi đây đành lòng cho con theo sau lũ bò thay vì theo lấy con chữ.

Vắt vẻo trên lưng bò

Xã HBông có tất cả 12 thôn, làng thì có tới 11 làng đồng bào dân tộc thiểu số là người Jarai và Ba Na, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện nay của toàn xã vẫn ở mức ngất ngưởng: 60%. Theo ông Siu Ku Ao - Phó Chủ tịch thường trực xã HBông thì hiện nay ở 11 làng đều có những đứa trẻ phải đi chăn bò thuê. Em Rơ Châm Thi (làng Kate 2), 14 tuổi nhưng đã có thâm niên chăn bò trên 5 năm, đang ngồi vắt vẻo trên lưng một con bò nói vọng xuống: “Trong mười đứa ở đây không đứa nào được đi học cả vì ngày nào cũng phải đi chăn bò. Nay đồng gần hết cỏ rồi nên phải đi xa lắm, không có thời gian, không có tiền đi học đâu”.

Tình trạng trẻ em thất học nơi đây dần dần trở thành phổ biến, cộng với cuộc sống khó khăn, vất vả khiến không ít người dân nơi “xóm bò” này hài lòng với việc con cái họ biết đi chăn bò để được chủ trả tiền công, đi nhặt phân bò bán lấy tiền phụ cái ăn cho gia đình. Một đứa trẻ đi chăn bò thuê được chủ lo ăn, đau ốm lặt vặt được chủ lo thuốc men, được trả 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Đứa nào không lấy tiền hàng tháng thì đến cuối năm lấy bò về nuôi. Cứ thế lũ trẻ nối đuôi nhau trở thành những “cao bồi” bất đắc dĩ trên lưng bò, cái chữ cứ thế cũng xa vời vợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem