Đại sứ Ted Osius, mở đầu buổi gặp gỡ, đã nhấn mạnh: Năm 2015 cũng là năm Việt Nam, Mỹ dự kiến hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vào ngày 12.7 tới hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Năm nay các hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức tại hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Ông nói: “Cho tới nay, sứ quán đã phối hợp với 50 tỉnh thành để tổ chức hoạt động, với nội dung tập trung làm sâu sắc mối quan hệ này”.
Hai nước đã xử lý vấn đề dioxin và người Mỹ mất tích. Sự hợp tác đó mở ra khả năng tiến hành nhiều hợp tác khác. Chúng ta có nhiều tiến triển trong nhiều lĩnh vực. Tin tốt là ta đã đạt tiến độ trong kinh tế, thương mại, chính trị ngoại giao, giáo dục, môi trường, sức khỏe...
Tôi muốn nêu 3 lĩnh vực cụ thể mà quan hệ hai nước đã vượt qua tầm song phương, vươn ra toàn cầu.
Thứ nhất là gìn giữ hòa bình. Mỹ đã giúp Việt Nam đào tạo binh sĩ, cán bộ đủ kỹ năng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên thế giới. Thứ hai là sức khỏe toàn cầu. Việt Nam là một trọng điểm trong sáng kiến của Tổng thống Mỹ về sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ còn hợp tác cùng Việt Nam trong việc đối phó với nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh truyền nhiễm. Thứ ba là cơ hội hợp tác kinh tế khu vực. Việt Nam là một trong những nước trọng tâm trong đàm phán Hiệp định TPP.
Dự kiến đầu tháng 7, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ. Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng của chuyến thăm ?
- Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ, là chuyến thăm lịch sử, sẽ được những nhà lãnh đạo Mỹ tiếp nhận một cách tương xứng. Các nhà lãnh đạo Mỹ coi đây là cơ hội quan trọng để bàn về những thành tựu hợp tác Việt- Mỹ 20 năm qua và 20 năm tiếp theo.
Đại sứ Ted Osius tại cuộc họp báo chiều 25.6. Ảnh: Đ.T
Tôi cho rằng, 2 bên sẽ thảo luận về quan hệ hợp tác 9 trụ cột, trong đó có chính trị, an ninh, giáo dục, môi trường… Những vấn đề quan trọng nhất cũng sẽ được bàn bạc. Tôi tin rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác sẽ làm việc với các đối tác Mỹ trên tất cả các lĩnh vực hợp tác toàn diện. Chúng tôi trông đợi chuyến thăm lịch sử này sẽ mở ra tầm nhìn chung cho 2 nước trong tương lai.
Như chúng ta biết, tháng 10.2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Trong biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, hợp tác hàng hải là một trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên hàng đầu.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Carter, hai bên đã ký biên bản hợp tác, nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên. Các thảo luận cấp cao giữa hai bên cũng đã bàn về Biển Đông. Khi Bộ trưởng Carter ở Việt Nam, ông cũng đã thúc giục các quốc gia trong khu vực nên làm 3 việc: Kêu gọi các quốc gia dừng ngay việc cải tạo đảo trên Biển Đông; kêu gọi không tiếp tục quân sự hóa các tiền đồn trong khu vực; kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền đàm phán hòa bình với nhau để giải tỏa căng thẳng.
Với bối cảnh đó, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu các lãnh đạo cấp cao trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bàn về Biển Đông.
Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Mỹ có kế hoạch cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama hay không và liệu Việt – Mỹ có chính thức trở thành đối tác chiến lược trước khi Mỹ chào đón tân Tổng thống năm 2016 không, thưa Đại sứ?
- Tôi hy vọng Tổng thống Obama sẽ có dịp thăm Việt Nam khi vẫn còn là Tổng thống Mỹ và tôi nghĩ ngài cũng hy vọng vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Obama và tôi tập trung nhiều vào nội dung trong quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện của hai nước. Bản chất quan hệ hai nước xây dựng là nâng tầm từ hợp tác song phương lên hợp tác trên bình diện khu vực và toàn cầu. Tôi lạc quan tin rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai bên lên những tầm cao mới.
Thưa Đại sứ, nhìn lại 20 năm qua, đâu là điều khó khăn nhất mà hai nước đã vượt qua. Và trở ngại lớn nhất trong 20 năm tiếp theo là gì?
- Khi trả lời câu hỏi này, tôi nhớ đến câu nói của Ngoại trưởng John Kerry rằng: Trên thế giới không có nước nào làm tốt hơn Việt Nam và Mỹ trong việc đưa hai nước lại gần nhau hơn để cùng hướng tới tương lai. Tôi đến Việt Nam cách đây 20 năm, khi đó, chúng ta chỉ nói về việc tìm kiếm người Mỹ mất tích. Thời gian, chúng ta đã tạo dựng niềm tin lẫn nhau qua việc tìm kiếm người Mỹ mất tích. Từ đó tiến lên, đạt được Hiệp định thương mại song phương.
Trong quá trình đó, chúng ta cũng giải quyết được nhiều vấn đề quá khứ để lại như bom mìn sót lại. Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam hàng trăm triệu USD để rà phá bom mìn.
Khi tôi mới sang Việt Nam, chúng ta không bàn đến chất độc da cam, nhưng hiện tại, chúng ta đã hợp tác vượt quá mong đợi. Mỹ đã tài trợ hơn 100 triệu USD để làm sạch dioxin ở Đà Nẵng. Chính vì chúng ta giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn nên đã tạo được nền móng để giải quyết những vấn đề quan trọng hơn với Việt Nam và thế giới.
Mỹ cũng đã hỗ trợ Việt Nam 1 tỷ USD để giải quyết vấn đề y tế và hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu… Những hỗ trợ này không chỉ giúp Việt Nam mà còn mang lại lợi ích cho cả khu vực.
Với TPP, Mỹ mong giúp Việt Nam trong nỗ lực hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được những điều đó, chúng tôi chú trọng thêm cả vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Trong tầm nhìn hướng đến tương lai, liệu trong 20 năm tới, Việt Nam và Mỹ có trở thành liên minh không thưa ông?
- Nhiệm vụ chính của tôi là xây dựng các mối quan hệ toàn diện. Chúng ta là những đối tác mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng không chỉ quan hệ đồng minh mới quan trọng mà các quan hệ đối tác cũng rất quan trọng.
Tôi từng đến Ấn Độ để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ. Sau đó, tôi tới Indonesia xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Indonesia. Hiện tôi đang ở Việt Nam để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Việt Nam. Điều khác biệt ở đây là chúng ta từng có những khó khăn trong quá khứ. Và trong thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều để cải thiện điều này. Chúng ta không cần mối quan hệ mang tính liên minh để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước trên bình diện khu vực và thế giới.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
“Tôi chắc chắn rằng, quan điểm của Mỹ với vấn đề Biển Đông là bất di bất dịch. Chúng tôi luôn luôn tôn trọng quyền đi lại, tự do thương mại trên biển. Điều này đã có 239 năm nay, từ khi nước Mỹ thành lập. Mỹ kêu gọi các nước không tiến hành khiêu khích, không dùng vũ lực và hành động đơn phương. Chúng tôi không có quan điểm về tuyên bố chủ quyền song chúng tôi cho rằng không thể thay đổi chủ quyền bằng cách đổ cát xuống một chỗ nào đó” - Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.