Mỹ đẩy mạnh giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích từ thời chiến

Mỹ Hằng thực hiện Thứ ba, ngày 23/08/2022 15:56 PM (GMT+7)
Việc hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho quan hệ song phương. Bước đầu tiên đó, và quyết định chọn tin tưởng và tình hữu nghị thay vì nghi kỵ và oán giận, thực sự là một thành tựu vĩ đại trong quan hệ Việt Nam – Mỹ - Đại sứ Mỹ Marc Knapper trả lời phỏng vấn Dân Việt.
Bình luận 0

"Sáng kiến tìm kiếm người Việt trong chiến tranh" đã được khởi xướng vào năm 2021. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sáng kiến này?

- Giải quyết các vấn đề về di sản chiến tranh là một yếu tố cơ bản trong mối quan hệ mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hồi năm 2021, trong chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin đã khởi xướng "Sáng kiến tìm kiếm người Việt mất tích trong chiến tranh" (VWAI) – một chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ và Viện Hoà bình Mỹ (USIP), với sự hỗ trợ của văn phòng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Quốc hội Mỹ, nhằm giúp đỡ công việc tìm kiếm hài cốt mà Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện.

Hợp tác tìm kiếm và khai quật người Mỹ mất tích trong chiến tranh đóng vai trò nền tảng trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kì suốt khoảng ba thập kỷ. Chương trình VWAI là một sáng kiến mới rất quan trọng góp phần giải quyết sự mất mát của người Việt và thể hiện nỗ lực chung của hai nước trong việc hoà giải cũng như xây dựng niềm tin để củng cố tình bạn và việc hợp tác trong tương lai.

Mỹ đẩy mạnh giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích từ thời chiến - Ảnh 1.

Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper. Ảnh: M.H.

Sáng kiến này đã có những điểm nổi bật nào, thưa Đại sứ?

- VWAI giúp Bộ Quốc phòng  Việt Nam xây dựng năng lực để  định vị, khai quật và xác minh được  hài cốt của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến một cách hiệu quả hơn.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã hợp tác với các tổ chức học thuật của Mỹ để hỗ trợ Bộ Quốc phòng Việt Nam về nghiên cứu hồ sơ lưu trữ, bao gồm quyền truy cập vào các kho lưu trữ đặc biệt và kho dữ liệu, nghiên cứu nâng cao và các phương thức điều tra các trường hợp, cùng với đó là việc sử dụng công nghệ và các năng lực mới.

Sự hợp tác này làm cho nỗ lực nghiên cứu trở nên hiệu quả hơn, toàn diện hơn và tốn ít thời gian hơn.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hợp tác với Viện Hoà Bình Mỹ (USIP) để tạo điều kiện cho trao đổi giữa các quan chức chính phủ, các học giả và cựu chiến binh từ cả hai bên để thúc đẩy sự hoà  giải, tăng cường chia sẻ thông tin về các trường hợp người mất tích cụ thể, xây dựng lòng tin  ở tất cả các cấp độ từ trao đổi người dân với người dân, thông tin đến nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ các nỗ lực chung này.

Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAIDS) còn hợp tác với với Uỷ ban quốc tế về người mất tích - một cơ quan hàng đầu trên toàn cầu về kiểm kê người mất tích, để giúp Việt Nam trong việc phân tích DNA các hài cốt chưa xác định từ thời chiến tranh. Một phần vô cùng quan trọng của dự án là làm việc cùng các nhà khoa học Việt Nam để áp dụng các phương thức nhận diện DNA vào bối cảnh tại Việt Nam.

Mỹ đẩy mạnh giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích từ thời chiến - Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trao kỷ vật chiến tranh cho Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2021. Ảnh: Báo QĐND.

Sáng kiến đã được triển khai như thế nào trong năm đầu tiên và trong tương lai gần, dự án sẽ có các hoạt động nổi bật nào không?

 - Mặc dù Covid-19, các bên phía Mỹ đã thực hiện một buổi giới thiệu trực tuyến với Ủy ban Thường trực  Văn Phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 515, nơi khởi xướng nỗ lực hợp tác để bắt đầu một nhiệm vụ khó khăn là tìm  những người mất tích và hy sinh trong chiến tranh.

Kể từ khi đó, phía Mỹ đã cử phái đoàn từ Đại Học Havard - một trong những đối tác nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến Hà Nội để gặp Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương, trao các kết quả nghiên cứu và các kỷ vật cá nhân của bộ đội Việt Nam cho Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam cũng thăm Mỹ nhân Hội Nghị cấp cao đặc biệt ASEAN, nơi Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner  trao phần đầu tiên trong kết quả nghiên cứu.

Vào tháng 7/2022, Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lindsey Ford đã trao phần còn lại của nghiên cứu cho Thượng Tá Vũ Thanh Vân ở Hà Nội.

Các đối tác nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Mỹ tiếp tục phát triển các đầu mối  và các nghiên cứu điều tra về các từng trường hợp người Việt mất tích  cụ thể,  với sự hỗ trợ từ BQPVN và VWAI.

Hai bên đã có những hợp tác như thế nào trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân Việt Nam hy sinh hoặc mất tích? Theo ông những sáng kiến này lẽ ra có nên được thúc đẩy sớm hơn không? 

4 thế hệ trong gia đình tôi đã sống ở Việt Nam và trở nên yêu mến Việt Nam, và vì thế việc được là Đại sứ Mỹ ở đây đặc biệt có ý nghĩa với tôi, khi tôi được làm việc vì ước mơ của gia đình là nhìn thấy đất nước xinh đẹp này hòa bình và phát triển mạnh mẽ.

(Đại sứ Marc Knapper)

Trước khi VWAI ra mắt, hỗ trợ của Mỹ cho Bộ Quốc phòng Việt Nam về kiểm kê người mất tích  không được chính thức thiết lập, mặc dù Mỹ  đã chia sẻ thông tin về các đầu mối các trường hợp cụ thể. VWAI được thành lập để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ chính thức của phía Việt Nam. Sau đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và các nhóm  khác của chính phủ  Hoa Kỳ đã thành lập nguồn lực, thể chế và khái niệm hỗ trợ cho sáng kiến quan trọng này. Mỗi ngày qua đều rất quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm người mất tích của cả hai bên, khi tuổi tác và tài liệu của các nhân chứng dần mất đi. Chính phủ Mỹ đã cố gắng sử dụng mọi thời điểm có thể để nỗ lực này.

Mối quan hệ hợp tác của chúng tôi trong việc tìm kiếm những người lính mất tích đã có từ lâu. Lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu công việc này cùng nhau cách đây 37 năm, từ năm 1985 - một thập kỷ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Trong 37 năm đó, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hoàn thành 147 hoạt động tìm kiếm chung các quân nhân mất tích sau chiến tranh, mỗi hoạt động kéo dài 45 ngày. Chúng tôi đã thực hiện các bước cụ thể trong quá trình này - chẳng hạn như cấp cho các cơ quan chức năng của Việt Nam quyền truy cập vào các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Hoa Kỳ - để phát triển lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, điều giúp cho  mối quan hệ của chúng tôi phát triển.

Ông đánh giá thế nào về các nỗ lực của Việt Nam trong tìm kiếm người Mỹ mất tích?

- Hợp tác tìm kiếm người mất tích và tù binh chiến tranh luôn là yếu tố nền tảng trong quan hệ song phương của Mỹ với Việt Nam, vừa để hoàn thành nghĩa vụ với những người đã nằm xuống và tiếp tục xây dựng lòng tin để hợp tác sâu rộng hơn. Chúng tôi rất hài lòng với mức độ hợp tác mà Việt Nam đã dành cho các nỗ lực nhân đạo chung, và chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ cho phép chúng tôi tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu lưu trữ trong tương lai để củng cố mối quan hệ đối tác hơn nữa.

Mỹ đẩy mạnh giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích từ thời chiến - Ảnh 4.

Việt Nam bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Ảnh: BQP.

Trong năm qua, DPAA đã làm việc với Việt Nam để tiến hành 4 hoạt động tìm kiếm chung tại hiện trường (JFA) trong đó các quan chức Việt Nam làm việc với phía Mỹ để điều tra và khai quật hài cốt có thể liên quan đến lính Mỹ. Cùng với các cuộc phỏng vấn tiến hành khi tìm kiếm chung, các nhân viên Mỹ và Việt Nam đã tiến hành gần 300 cuộc phỏng vấn với các quan chức chính phủ và quân đội Việt Nam hiện nay. Các cựu chiến binh Việt Nam đã tích cực ủng hộ hoạt động tìm kiếm khai quật của DPAA, trong đó nhiều người đã hơn một lần tham gia, ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự tham gia của họ.

Trong các hoạt động tìm kiếm người mất tích, có câu chuyện nào khiến ông ấn tượng?

- Nhìn chung, tôi rất ấn tượng và được truyền cảm hứng bởi sự hợp tác của hai dân tộc, chuyển biến từ thời kỳ đen tối và đầy thách thức trong lịch sử tới một tương lai tươi sáng và có lợi cho cả 2 bên. 4 thế hệ trong gia đình tôi đã sống ở Việt Nam và trở nên yêu mến Việt Nam, và vì thế việc được là Đại sứ Mỹ ở đây đặc biệt có ý nghĩa với tôi, khi tôi được làm việc vì ước mơ của gia đình là nhìn thấy đất nước xinh đẹp này hòa bình và phát triển mạnh mẽ.

Đó là điều thường được cảm thấy,  không chỉ từ cha tôi - một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, một người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của sự hòa giải, mà còn cảm thấy từ Tổng thống Biden, các thành viên của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán, Quốc hội và người dân Mỹ.

Để đạt được điều đó, Viện Hòa bình đã làm được một công việc vô cùng tuyệt vời khi lưu trữ những câu chuyện hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích.

Chẳng hạn, bà Phùng Thị Kim Nga, có bố là liệt sĩ Phùng Văn Bình ở quận Tây Hồ, đã có thể mang hài cốt cha mình về cho ông nội.

Về phía Mỹ, anh em ruột của chỉ huy Paul Charvet, một phi công Hải quân ở bang Washington, đã có thể nhận được hài cốt của anh trai họ nhờ sự hợp tác Mỹ - Việt.

Gần đây Đại sứ đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Bắc Sơn Điều đó có ý nghĩa gì?

- Đây là năm thứ ba đại diện của Đại sứ quán Mỹ thăm Đài tưởng niệm Bắc Sơn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ. Bản thân tôi là con của một cựu chiến binh, tôi cảm thấy vinh dự khi đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm, như một dấu hiệu tôn trọng những người đã chọn hy sinh gian khổ, một dấu hiệu hòa giải giữa hai nước, một biểu tượng của tình bạn đẹp đẽ đã được hình thành theo năm tháng.

Việc giải quyết di sản của lịch sử chung giữa đã là nền tảng của tình hữu nghị giữa chúng ta, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với tương lai của chúng ta. Khi chúng ta thúc đẩy môiq âun hệ đối tác mới, đưa ra những sáng kiến và công nghệ mới để nỗ lực giải quyết di sản chiến tranh, tôi tin rằng sự hợp tác của hai nước sẽ phát triển chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn trong những năm tới.

Việc hợp tác tìm kiếm người mất tích đặt nền tảng thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

"Việc hợp tác tìm kiếm binh lính mất tích là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho quan hệ song phương. Khi tôi nhìn lại những gì chúng ta đã cố gắng xây dựng trên nền tảng đó - một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, trong đó chúng ta hợp tác dựa trên hàng loạt sáng kiến quan trọng, từ việc bảo vệ môi trường tới phát triển kinh tế, an ninh khu vực - thật khó mà đánh giá được công việc ban đầu đó đã quan trọng đến mức nào.

Bước đầu tiên đó, và quyết định chọn tin tưởng và tình hữu nghị thay vì nghi kỵ và oán giận, thực sự là một thành tựu vĩ đại.

Chúng ta nhìn lại quá khứ, học các bài học từ đó, và quyết định cùng nhau vượt qua hậu quả. Và mặc dù chúng ta không bao giờ quên lịch sử, giờ đây chúng ta hướng tới tương lai chung với đầy sự lạc quan và hào hứng.

(Đại sứ Marc Knapper)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem