Tàu sân bay John C. Stennis.
Theo các quan chức quân sự Mỹ, tàu sân bay John C. Stennis đã gia nhập với hai tàu tuần dương Antietam và Mobile Bay cùng hai tàu khu trục Chung Hoon và Stockdale hoạt động tại Biển Đông vài ngày gần đây. Trong khi đó, tàu chỉ huy Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tại Nhật Bản đang trên đường tới thăm Philippines.
Các quan chức Mỹ cho biết tàu tuần dương Antietam đang tiến hành “tuần tra thường kỳ” tại khu vực Biển Đông, tiếp nối hoạt động tuần tra trước trước đó được thực hiện bởi tàu khu trục McCambell và tàu đổ bộ Ashland hồi cuối tháng 2. Nhiệm vụ tuần tra của tàu Antietam hoàn toàn tách bạch với hoạt động của tàu sân bay John C. Stennis trong khu vực.
“Các tàu chiến và máy bay của chúng tôi đã tuần tra thường kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm vùng Biển Đông suốt nhiều thập kỷ qua”, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Clay Doss cho biết. “Năm 2015, các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện tổng cộng 700 ngày tuần tra tại Biển Đông”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng việc Mỹ điều tàu sân bay John C. Stennis tới Biển Đông là một tín hiệu rõ ràng nhằm vào Trung Quốc và khu vực.
“Lầu Năm Góc đang thực hiện cam kết của họ về sự hiện diện và tự do hàng hải trong khu vực”, nhà phân tích và cựu sĩ quan Hải quân Mỹ Jerry Hendrix cho biết. “Với sự hiện diện của đội tàu sân bay và tàu chỉ huy, Hải quân Mỹ đang cho thấy sự quan tâm và khả năng hiện diện trên khắp thế giới”.
Trước đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, sau khi thông tin tiết lộ Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.