Mỹ đưa vũ khí hiện đại đến châu Á - Thái Bình Dương

Thứ bảy, ngày 23/11/2013 07:24 AM (GMT+7)
Quân đội Mỹ đang triển khai các trang thiết bị và vũ khí hiện đại nhất cùng nguồn nhân lực vào châu Á - Thái Bình Dương, động thái cho thấy sự quyết tâm trong kế hoạch “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.
Bình luận 0
Ngày 22.11, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - Đô đốc Harry B. Harris cho biết việc quân đội Mỹ tập trung nguồn lực quân sự ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương là nhằm đối phó với các đe dọa an ninh khu vực. Theo ông Harris, Hải quân Mỹ sẽ sớm thay thế các máy bay săn ngầm P-3C Orion bằng loại máy bay tuần tra biển mới nhất P-8A Poseidon trong đợt triển khai đầu tiên tại Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ phiên chế tàu khu trục tàng hình DDG-1000 lớp Zumwalt vào Hạm đội Thái Bình Dương, trong khi sẽ cho các tàu tuần duyên mới (LCS) luân phiên hoạt động gần Singapore. Các máy bay trực thăng MH-60 và tàu ngầm tấn công lớp Virginia ở Hawaii cũng sẽ nằm trong danh sách những vũ khí tối tân nhất này.

Tàu khu trục tàng hình DDG-1000 lớp Zumwalt sẽ được Mỹ đưa vào châu Á-TBD.
Tàu khu trục tàng hình DDG-1000 lớp Zumwalt sẽ được Mỹ đưa vào châu Á-TBD.

Mỹ luôn khẳng định rằng, việc cắt giảm ngân sách dành cho quân sự của Chính phủ Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến cam kết tái cân bằng của Washington tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với sự chuẩn bị nguồn lực quân sự, năm 2014 cũng được cho là năm làm nổi bật hơn mối quan hệ gắn bó và nhiều tiềm năng giữa Mỹ và khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Báo cáo thường niên của Ủy ban Nghiên cứu kinh tế - an ninh Mỹ - Trung Quốc (do Quốc hội Mỹ thành lập), ngày 20.11 cũng nhấn mạnh, đến năm 2020, Mỹ nên bố trí 60% số tàu chiến tại châu Á - Thái Bình Dương để đối phó sự bành trướng của quân đội Trung Quốc. Trước đó ngày 20.11, bà Susan Rice - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng cho biết vào tháng 4.2013, Tổng thống Obama sẽ có chuyến công du châu Á để thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nước trong khu vực, sau khi vào tháng 10 vừa qua, ông đã phải hủy chuyến đi đến vùng này, khiến mọi người đặt nghi vấn về chiến lược “xoay trục” của Washington.

Để chứng tỏ Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực châu Á, trước mắt, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry sẽ công du Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 12 tới. Bà Susan Rice cũng tuyên bố, Mỹ sẽ thực hiện đúng cam kết điều động số lượng các chiến hạm của nước này sang châu Á từ đây đến năm 2020 và sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tự do mậu dịch mà Tổng thống Obama hy vọng sẽ giúp thiết lập một trật tự mới ở châu Á.

Quang Minh (Quang Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem