Mỹ e ngại về tàu ngầm của Trung Quốc

Đức Hoàng - Hạ Anh Thứ bảy, ngày 28/02/2015 08:24 AM (GMT+7)
Tờ Bưu điện Washington ngày 27.2 dẫn thống kê từ Hải quân Mỹ cho biết, Trung Quốc đã phát triển số lượng tàu ngầm khá mạnh với số tàu ngầm thông thường cũng như tàu ngầm nguyên tử nhiều hơn Mỹ, và nước này đang tiếp tục đóng thêm nhiều tàu mới.
Bình luận 0

Tàu ngầm “chất lượng thấp”

Thông tin này cũng được báo cáo tại một phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 25.2. Trước Tiểu ban Hải quân thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện, Phó Đô đốc Joseph Mulloy - một Phó Tư lệnh chuyên trách năng lực và tiềm lực của Hải quân Mỹ nhấn mạnh, số lượng tàu ngầm mà Trung Quốc đã phát triển được trong thời gian qua là “không thể tưởng tượng được”.

img

Một tàu ngầm mang hạt nhân của Hải quân Trung Quốc tại căn cứ Thanh Đảo, phía đông nước này.      AP 
Tuy nhiên, Phó Đô đốc Joseph Mull nhấn mạnh, dù số lượng vượt trội, nhưng kỹ thuật và chất lượng tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo vẫn ở mức thấp.

 

Số lượng cụ thể của tàu ngầm Trung Quốc không được nêu rõ, nhưng bản báo cáo năm 2014 của Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình đến Quốc hội đã ước tính rằng Trung Quốc có đến 77 chiến hạm chính, hơn 60 chiếc tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ cỡ lớn và cỡ trung bình, cùng với 85 tàu nhỏ có trang bị tên lửa dẫn đường. Reuters cho rằng, điều đáng lo ngại hơn, theo Phó Đô đốc Mulloy, Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, với thời gian hoạt động được kéo dài thêm. Trung Quốc đã cho tiến hành 3 vụ triển khai tàu ngầm tại Ấn Độ Dương, và thời gian hoạt động ngoài khơi của loại tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo đã được kéo dài lên 95 ngày.

Ông Mulloy cho biết, quân đội Mỹ không tin rằng Trung Quốc lắp tên lửa hạt nhân trên các tàu ngầm này, song thực tế, Trung Quốc đã sản xuất tên lửa và tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm.

Từ nhiều tháng nay, giới chức lãnh đạo quân đội Mỹ thường xuyên lên tiếng cảnh báo về tình trạng “Trung Quốc đang chạy đua vũ trang”, và nhấn mạnh sự cần thiết đối với Mỹ là phải duy trì thế mạnh công nghệ quân sự của mình đối với các nước như Trung Quốc hay Nga.

Phê phán Trung Quốc dùng quân sự thúc ép láng giềng

Washington cũng lên tiếng phê phán Bắc Kinh về việc dùng sức mạnh quân sự để thúc ép các nước láng giềng trong các vụ tranh chấp chủ quyền.

Trong diễn biến liên quan, Reuters ngày 26.2 đưa tin, Mỹ đã điều máy bay tuần tra săn ngầm tân tiến nhất là chiếc P-8A Poseidon thực hiện sứ mạng tuần tra Biển Đông trong tháng 2.2015. Theo Reuters, Hải quân Mỹ trong một thông cáo ngày 26.2 lần đầu tiên xác nhận đã triển khai P-8A Poseidon bay từ căn cứ quân sự của Philippines để tuần tra Biển Đông trong vòng 3 tuần và kết thúc vào ngày 21.2 với trên 180 giờ bay.

Theo Hải quân Mỹ, đây là cơ hội để thể hiện năng lực của P-8A trong môi trường ven biển và vùng biển khơi xa đất liền, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với lực lượng quân đội Philippines. Reuters dẫn lời ông Restituto Padilla - người phát ngôn của quân đội Philippines, cho biết Hải quân Mỹ điều động những chiếc máy bay tuần tra P-3C Orion đến căn cứ quân sự ở Philippines thực hiện những sứ mạng tuần tra hằng năm kể từ năm 2012.

Cuộc tuần tra diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược tuyên bố đã điều quân đến tập trận ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 26.2, truyền thông Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang xây dựng “quy mô lớn” ở bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đã điều lính đến tập trận trên bãi đá này trong tháng này. Reuters nhận định đây là một động thái bất thường của truyền thông Trung Quốc khi thừa nhận Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở Trường Sa.

Trước sự tăng trưởng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, một số nước trong khu vực như Ấn Độ cũng đang tăng tốc phát triển tàu sân bay để đối phó với Trung Quốc. Báo chí Ấn Độ đưa tin, trong chương trình nghiên cứu chế tạo tàu sân bay nội địa IAC-II, Ấn Độ đang gấp rút thiết kế và thúc đẩy việc đóng tàu sân bay nội địa lớn nhất với tên gọi IAC-II INS Vishal.

Theo AFP, hiện nay, dự án này đang được gấp rút tiến hành vì chiếc tàu sân bay 56 tuổi INS Viraat đã quá cũ, chỉ có thể đỗ được 11 chiếc máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng và phải ngừng hoạt động vào năm sau. Nguồn tin cho biết do quá trình thiết kế và đóng một chiếc tàu sân bay mới phải mất ít nhất 10-12 năm nên nếu Ấn Độ muốn chống lại sự mở rộng sức mạnh hải quân của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, nước này nhất định phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu chế tạo tàu sân bay nội địa.


 Theo Reuters, tình báo Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông và với việc phát triển sức mạnh quân sự, Trung Quốc sẽ sử dụng nó như một lợi thế trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.   
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem