Mỹ, EU thủ đòn chống lại cơn sốt mua bán và sáp nhập thị trường công nghệ
Mỹ, EU thủ đòn chống lại cơn sốt mua bán và sáp nhập thị trường công nghệ
Huỳnh Dũng
Thứ bảy, ngày 25/09/2021 09:20 AM (GMT+7)
Cơn sốt mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường công nghệ tại Mỹ đang rất sôi động, trong đó các tập đoàn lớn nhanh chóng vung tiền thâu tóm các thương vụ qua các kẻ hỡ, khiến giới chức nước này bắt đầu lên kế hoạch mạnh tay ngăn chặn.
Cơn sốt mua bán và sáp nhập (M&A) tại Mỹ: Cú ăn may, ăn nhanh- gọn lẹ dù đang dần bị dòm ngó
Nhận định về trào lưu này, chuyên gia của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khẳng định, cơn sốt mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường công nghệ đang diễn ra như một trò chơi ăn hạt mang tên Pac-Man. Để hoàn thành trò chơi một cách viên mãn nhất, "Pac-Man" (các tập đoàn lớn) sẽ phải di chuyển liên tục, và ăn hết các hạt sáng đồng thời vượt qua toàn bộ chướng ngại vật. Vì lý do này, mà các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới ở Thung lũng Silicon đã đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục trong năm 2021.
Theo dữ liệu từ Financial Times, kết quả thống kê phân tích cho thấy các công ty công nghệ đã chi ít nhất 264 tỷ USD để thâu tóm các đối thủ tiềm năng có giá trị dưới 1 tỷ USD kể từ đầu năm 2021. Con số này cao gấp đôi kỷ lục được ghi nhận trước đó vào năm 2000.
Điều đáng nói là trào lưu thâu tóm, sáp nhập thị trường công nghệ này diễn ra trong bối cảnh giới chính phủ, chính quyền, cơ quan quản lý Mỹ bắt đầu lên chiến lược mạnh tay các vụ thâu tóm này. Họ cho rằng, các công ty lớn đang kiềm hãm sự cạnh tranh công bằng, chèn ép đối thủ và gây tổn hại đến lợi ích của người dùng. Và họ cũng đích danh gọi tên các công ty có trong tầm ngắm bao gồm Apple, Facebook, Google, Amazon và Microsoft.
Bên cạnh đó, cơ quan Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết hiện đang điều tra các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp đã hoàn thành từ lâu của Facebook, đồng thời cảnh báo họ có thể xem xét kỹ lưỡng các giao dịch khác ngay cả khi đã hoàn tất. FTC cũng có quyền hủy bỏ giao dịch nếu họ cho là bất hợp pháp và yêu cầu chặn những vụ thâu tóm tương tự trong tương lai.
Không chỉ dừng tại đó, kể từ đầu năm 2021, giá trị giao dịch mua bán sáp nhập giữa các công ty công nghệ và các công ty khởi nghiệp có giá trị dưới 1 tỷ USD đã đạt mức kỷ lục 9.222 giao dịch, cao hơn khoảng 40% so với mức của năm 2000.
Tại Mỹ, các giao dịch có giá trị dưới 92 triệu USD không cần báo cáo lên các cơ quan quản lý. Nghiên cứu của FTC tiết lộ rằng Apple, Facebook, Amazon, Google và Microsoft trong giai đoạn từ tháng 1/2010-12/2019 đã thực hiện 819 thương vụ sáp nhập như vậy.
Chủ tịch FTC Lina Khan cho biết, nghiên cứu nhấn mạnh rằng cách các công ty Big Tech đã tiến hành mua lại công ty mới thành lập như một cách để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong tương lai. Còn Ủy viên của FTC Rebecca Kelly Slaughter nhận định, hàng trăm vụ mua bán quy mô nhỏ có thể không đáng chú ý nếu xét trên khía cạnh đơn lẻ, song nếu nhìn về tổng thể, động thái này có thể tạo ra một khối kết xù về quyền lực cũng như thống trị trường.
Mỹ thủ 5 vũ khí để siết chặt các vụ thâu tóm của Big Tech
Vào ngày 11/6 vừa qua, các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ chính thức đệ trình 5 dự luật chống độc quyền nhắm trực tiếp vào những hãng công nghệ lớn (Big Tech), nhiều khả năng buộc các hãng này phải cải tổ đáng kể hoạt động kinh doanh của mình.
Theo thông tin đăng tải trên kênh truyền hình CNBC (Mỹ), các dự luật trên sẽ khiến các Big Tech khó thực hiện việc sáp nhập hay thâu tóm các doanh nghiệp có xung đột lợi ích rõ ràng. Đồng thời, các dự luật này thể hiện nỗ lực toàn diện nhất của giới lập pháp Mỹ trong việc cải cách luật chống độc quyền hiện nay của Mỹ.
Trong đó, dự luật thứ nhất cấm các Big Tech sở hữu các công ty con hoạt động trên nền tảng của họ, nếu những công ty này cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Dự luật thứ hai cấm các nền tảng ưu tiên sản phẩm của họ, nếu vi phạm họ sẽ bị phạt 30% doanh thu tại Mỹ.
Dự luật thứ ba yêu cầu các Big Tech cho phép người dùng chuyển dữ liệu của họ sang nơi khác, bao gồm đối thủ cạnh tranh của họ. Dự luật thứ tư cấm các Big Tech sáp nhập các công ty khác trừ khi chứng minh được công ty họ mua không cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào mà nền tảng họ đang có. Dự luật này có mục đích ngăn chặn các Big Tech mua lại đối thủ để loại bỏ việc cạnh tranh.
Dự luật thứ năm nhằm tăng chi phí cho Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ khi xem xét các vụ sáp nhập của các Big Tech.
Trước mắt, Ủy ban Tư pháp Hạ viện cần thông qua các dự luật này trước khi chúng được đưa ra trước toàn thể Hạ viện. Sau đó, Thượng viện phải thông qua các dự luật này trước khi chuyển lên để tổng thống Mỹ ký thành luật.
Liên minh châu Âu bắt đầu dòm ngó về thực trạng mua bán sáp nhập bừa bãi
Hiện tại, khối Liên minh Châu Âu 27 thành viên đang thảo luận về luật mới có thể buộc Big Tech thay đổi cách thức hoạt động. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, một đề xuất được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, nhằm mục đích san bằng sân chơi tại thị trường EU và có thể được thực hiện sớm nhất vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, Berlin, Paris và La Hay đang yêu cầu lập trường chặt chẽ hơn về những thương vụ mua bán sáp nhập này.
Từ lâu, các thủ đô châu Âu đã lo ngại rằng một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới nhắm tới việc mua lại các công ty khởi nghiệp trong các giao dịch thoát khỏi sự giám sát, vì chúng không đáp ứng một ngưỡng giá trị lớn nhất định để xem xét.
Trong khi các giao dịch mua bán cao cấp giá trị lớn chẳng hạn như việc Microsoft mua lại Skype vào năm 2011 là tiêu điểm; thì các giao dịch nhỏ hơn thường không được chú ý. Ví dụ, vào năm 2019, Apple đã mua một công ty trí tuệ nhân tạo ở Anh (Anh bây giờ không còn là một quốc gia thuộc EU kể từ tháng 2/2020) với một khoản tiền không được tiết lộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.