Mỹ không ngại chiến tranh hạt nhân với Nga?

Thứ bảy, ngày 20/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
Tài liệu mới về vũ khí hạt nhân của Mỹ đưa ra lời cảnh báo cứng rắn về hậu quả thảm khốc đối với bên gây chiến.
Bình luận 0

Cảnh báo hậu quả thảm khốc

Trang The National Interest mới đây cho đăng bài viết phân tích về nguy cơ Nga và Mỹ một lần nữa tiến hành cuộc chạy đua hạt nhân. Bài viết của tác giả Richard Burt, từng là trưởng đoàn đàm phán Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, và Jon Wolfsthal - cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Theo bài viết, vào tháng 1.2017, khi bắt đầu chính thức bước vào nhiệm sở, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chuẩn bị soạn thảo bản Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) để vạch ra chiến lược hạt nhân của chính quyền mới.

img

Máy bay B-52 của Mỹ cùng các loại bom đạn, trong đó có vũ khí hạt nhân, có thể mang theo.

Tài liệu này sẽ sớm được công bố, và mặc dù khẳng định mục tiêu theo đuổi một thế giới mà ở đó vũ khí hạt nhân sẽ ít được sử dụng hơn, nhưng các đề xuất trong NPR sẽ thực sự mở rộng các điều kiện mà theo đó Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo bản dự thảo NPR, Mỹ sẽ đưa thêm 2 vũ khí hạt nhân vào kho vũ khí của mình cũng như hạ “ngưỡng giới hạn” cho việc sử dụng hạt nhân.

Hai tác giả người Mỹ đánh giá rằng một điều đáng buồn ở đây là tài liệu này không chú ý nhiều tới sự cần thiết của việc hồi sinh tiến trình kiểm soát và cắt giảm vũ khí vốn đang hấp hối, phớt lờ công cụ hiệu quả nhất mà Mỹ có để định hình bối cảnh chiến lược và giảm thiểu các mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ và các đồng minh.

Nói ngắn gọn, việc cam kết cắt giảm vũ khí mở ra hy vọng tốt nhất để ngăn chặn chu kỳ chạy đua hạt nhân thảm khốc khác giữa Washington và Moscow.

Mặc dù chưa được chính thức công bố, nhưng dự thảo NPR đã bị rò rỉ. Phần lớn nội dung tài liệu này tập trung vào việc tăng cường răn đe với Nga và thể hiện rõ với Moscow - cũng như Triều Tiên - rằng bất kỳ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ đem lại các hậu quả thảm khốc đối với bên gây chiến.

Với việc làm rõ rằng bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào chống lại Mỹ hay các đồng minh của Mỹ đều không thể chấp nhận được và do đó dẫn đến sự phản ứng quyết liệt, bản thảo này bắt đầu trực tiếp từ quan điểm chính thống trong chiến lược và chính sách hạt nhân.

img

Tên lửa Trident phóng từ tàu ngầm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ

Tuy nhiên, tài liệu này và tư tưởng đằng sau lại không chú ý tới cách thức chấm dứt chu kỳ hành động-đáp trả của Mỹ với Nga. Việc đề cập đến kiểm soát vũ khí và cam kết ngoại giao để giảm thiểu nguy cơ hạt nhân dường như xuất hiện ở cuối tài liệu này và chỉ nhằm cho thấy vấn đề này không hoàn toàn bị bỏ qua.

Bình luận về NPR, tờ newsweek cho rằng động thái của Mỹ sẽ khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân với Nga và Trung Quốc tăng cao.

Một đoạn trong NPR nêu lý do: "Trong khi Mỹ tiếp tục cắt giảm số lượng lớn và những vũ khí hạt nhân quan trọng, thì những nước khác, trong đó có Nga và Trung Quốc, đi theo hướng ngược lại...

Chính vì vậy, Mỹ phải có khả năng phát triển và triển khai các năng lực mới nếu cần thiết để ngăn chặn, đảm bảo và đạt được các mục tiêu của nước Mỹ nếu răn đe thất bại và các biện pháp khác không chắc chắn".

Một trong hai loại vũ khí được Mỹ lựa chọn phát triển là vũ khí hạt nhân "chi phí thấp" dành cho tên lửa Trident, tên lửa đạn đạo mạnh được phóng từ tàu ngầm. Loại tên lửa này hiện đang được trang bị cho các tàu ngầm lớp Ohio. Vũ khí hạt nhân mới này có thể sớm được trang bị trong vòng 2 năm tới.

Loại vũ khí hạt nhân mới thứ hai mà Mỹ định phát triển là tên lửa hành trình phóng từ biển có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn xa hơn.

Hiện nay, Nga đang trong quá trình xây dựng lại gần như toàn bộ kho vũ khí chiến lược của Liên Xô, bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm trung di động và một hạm đội các tàu ngầm được trang bị tên lửa.

Mỹ đang trong giai đoạn đầu của chương trình hiện đại hóa kho vũ khí của mình trị giá nghìn tỷ USD, bao gồm các tàu ngầm và tên lửa mặt đấy mới cũng như máy bay ném bom tàng hình mới được trang bị tên lửa hành trình tầm xa tàng hình.

Cuộc chạy đua vũ khí đang tiếp diễn này làm dấy lên động lực nguy hiểm mới mà có thể đe dọa an ninh của Nga và Mỹ theo 2 cách nghiêm trọng.

img

Nga hiện sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo uy lực có khả năng mang đầu đạn hạt nhân

Mối đe dọa đầu tiên đó là Nga và Mỹ sẽ sớm bị mắc kẹt trong cái mà giới phân tích gọi là chu kỳ “chạy đua vũ khí bất ổn”.

Trong lúc mỗi bên triển khai các hệ thống mới, cả hai đều nhận thấy khả năng tồi tệ nhất trong năng lực quân sự và ý định của bên còn lại và do đó lại tìm cách khôi phục thế cân bằng chung thông qua việc triển khai lực lượng bổ sung.

Kết quả là chu kỳ hành động-đáp trả mới, bao gồm việc triển khai các vũ khí hạt nhân mới.

Mối đe dọa thứ hai còn nguy hiểm hơn. Nga và Mỹ đang ngày càng làm xói mòn “sự ổn định trong cơn khủng hoảng” trong lúc họ theo đuổi hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Sự ổn định kéo dài 30 năm qua tại châu Âu nhờ Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đang đứng trước nguy cơ lớn.

Quyết định của Nga về việc triển khai thế hệ tên lửa mới cùng lời kêu gọi của Mỹ trong NPR về việc xem xét bổ sung các tên lửa hành trình được trang bị vũ khí hạt nhân phóng từ dưới biển và việc Mỹ đầu tư cho các tên lửa phóng từ mặt đất sẽ đi ngược lại các điều khoản của Hiệp ước INF.

Tất cả điều này có nguy cơ tạo ra mối nguy hiểm từng dẫn tới sự cần thiết phải ký kết Hiệp định INF năm 1987.

Hiện trạng này đặt ra những thách thức và không có nhiều lựa chọn để giải quyết. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy ít nhất một giải pháp có được từ sự hợp tác trực tiếp Nga-Mỹ và việc theo đuổi đàm phán về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.

img

Tên lửa Bulava của Nga

Đã 7 năm trôi qua kể từ khi các nhà đàm phán Mỹ và Nga hoàn tất Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) và ngừng các cuộc đàm phán. Đây là thời kỳ gián đoạn dài nhất kể từ khi tiến trình kiểm soát vũ khí song phương bắt đầu sau Cuộc khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962.

Hai tác giả người Mỹ cho rằng trong vòng đàm phán mới, các nhà đàm phán nên phát triển và hệ thống hóa các thỏa thuận mới có thể xác minh, để buộc hai bên trở lại tuân thủ đầy đủ Hiệp ước INF.

Việc đạt được thỏa thuận như vậy sẽ giúp các nhà đàm phán nhất trí kéo dài điều khoản của hiệp ước START mới sau năm 2021 và thậm chí thảo luận về việc cắt giảm đầu đạn hạt nhân hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm vũ khí hạt nhân cũng đòi hỏi các thỏa thuận liên quan tới phòng thủ tên lửa, các tên lửa truyền thống và các công nghệ mạng và vũ trụ.

Bài viết này kể lại một câu chuyện cách đây 20 năm, khi Tổng thống Bush chỉ định ông Richard Burt là trưởng đoàn đàm phán về Hiệp ước START. Khi đó, ông Donald Trump đã nói: “Lẽ ra tôi nên đảm nhiệm vị trí đó. Tôi là một nhà đàm phán tài giỏi”.

Cơ hội đàm phán giờ được trao cho chính ông Trump để thể hiện những gì ông tuyên bố.

Đông Triều (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem