“Bảo vệ giao lộ hàng hải chiến lược”?
Trong Kỷ yếu số tháng 12, do Viện Hải quân Mỹ phát hành, Tư lệnh Tác chiến của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert viết rằng, Hải quân Mỹ sẽ tăng cường chú trọng tới "các giao lộ hàng hải" chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Ông Jonathan Greenert (giữa) trong một lần khảo sát tàu chiến USS Blue Ridge. |
Ông cho biết, hải quân có kế hoạch đưa một số tàu chiến bảo vệ bờ biển mới nhất tới đóng tại cơ sở hải quân của Singapore, cùng với kế hoạch bắt đầu triển khai luân phiên lính thủy đánh bộ tới Darwin ở Australia vào năm sau.
Ông Greenert viết: "Điều này sẽ giúp hải quân duy trì vị thế tiền tiêu trên toàn cầu của hải quân với số lượng tàu chiến và máy bay nhỏ hơn so với hiện nay".
Các tàu chiến bảo vệ bờ biển có thể hoạt động ở vùng nước nông và được trang bị để chống lại thủy lôi, tàu ngầm diesel chạy êm và các tàu nhỏ tốc độ cao có vũ trang. Đô đốc Greenert nêu rõ: "Các tàu của chúng ta tại Singapore sẽ thực hiện các hoạt động phối hợp chống cướp biển cũng như chống buôn lậu quanh Biển Đông".
Ông cho biết thêm: "Tương tự như vậy, vào năm 2025, hải quân có thể sẽ triển khai định kỳ máy bay chống tàu ngầm P-8A Poseidon hoặc các máy bay trinh sát biển trên diện rộng không người lái ở Philippines và Thái Lan để giúp các nước này giám sát lãnh hải". Một nguồn tin khác cho biết cũng đã có các cuộc thảo luận để đưa tàu chiến tới đóng ở Philippines.
Philippines hoan nghênh
Tại Hội nghị cấp cao APEC hồi tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố Mỹ muốn đảm bảo hòa bình và tự do cho các tuyến đường hàng hải trong khu vực. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, các thế lực bên ngoài không có lý do gì tham gia vào nội bộ khu vực.
Kế hoạch triển khai tàu chiến tuần duyên (LCS) của Mỹ đang được các "ông lớn" như Hãng Lockheed Martin của Mỹ, Austal của Australia, General Dynamics Corp và một số hãng sản xuất vũ khí khác theo dõi chặt chẽ với hy vọng sẽ bán được những mẫu tàu chiến mới nhất cho Hải quân Mỹ trong thời gian tới.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cùng ngày phát biểu rằng nước này cần sự giúp đỡ của Mỹ trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, bởi “sự hiện diện của Mỹ có thể đảm bảo tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.
Theo Đô đốc Greenet, do Mỹ có thể không gánh được chi phí tài chính và ngoại giao cho các căn cứ mới ở nước ngoài, nên hạm đội năm 2025 sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào cảng biển và căn cứ của nước chủ nhà, nơi tàu chiến, máy bay và thủy thủ đoàn có thể được tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi, tiếp tế và sửa chữa khi triển khai hoạt động. Điều này là sự khác biệt lớn với những căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Ông Greenet không cho biết, thời gian tàu tuần duyên Mỹ sẽ neo đậu tại Singapore. Tuy nhiên, ở Philippines, kế hoạch của Mỹ được hoan nghênh nhiệt liệt.
"Chúng tôi cùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đối mặt với thách thức an ninh chung. Chúng tôi không thể phủ nhận rằng chúng tôi cần sự giúp đỡ của Mỹ trong việc ngăn ngừa đe dọa khủng bố, tự do hàng hải, chống cướp biển và buôn người" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Paul Galvez nói.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.