Mỹ trả Iran cổ vật 2.700 tuổi: Dấu hiệu sự ấm áp?

Thứ hai, ngày 30/09/2013 06:40 AM (GMT+7)
Một chiếc chén bạc cổ – biểu tượng của di sản văn hóa Iran- có niên đại 2.700 năm vừa được Mỹ trả về cho Iran- như là một dấu hiệu hàn gắn của mối quan hệ giữa 2 nước.
Bình luận 0
Từ năm 2003, cổ vật có tên gọi rhyton này đã xuất hiện tại New York qua con đường nhập lậu. Trong nhiều năm, cổ vật này được lưu trữ trong một nhà kho của hải quan Mỹ. Các quan chức hải quan Mỹ từ lâu đã muốn trả lại chén rhyton cho Iran, nhưng nhiều thập kỷ quan hệ đóng băng giữa Washington và Tehran khiến cổ vật không có lý do gì để trở về quê hương của nó.

Và nay, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Iran Rouhani, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 30 năm, một dấu hiệu chứng tỏ hai bên đều nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran, cổ vật Ba Tư đã trở về với chủ.
Cổ vật chén bạc là món quà ngoại giao đầu tiên mà Mỹ tặng Iran sau hơn 30 năm.
Cổ vật chén bạc là món quà ngoại giao đầu tiên mà Mỹ tặng Iran sau hơn 30 năm.

Ông Mohammad-Ali Najafi – Giám đốc cơ quan Di sản văn hóa quốc gia của Iran cho rằng: “Chúng tôi coi cổ vật chén bạc này là món quà lưu niệm mà Mỹ gửi đến người dân Iran”. Iran cho rằng, nước ngoài tặng quà lưu niệm cho Iran không phải là một chuyện bình thường, mà theo văn hóa của người Ba Tư, đó là dấu hiệu của sự ấm áp, xích lại gần nhau.

Báo chí Mỹ đã không ngớt bình luận về cuộc điện đàm lịch sử giữa 2 ông Obama – Rouhani cuối tuần qua, mà họ gọi là “chiến thắng bằng trái tim”. Tổng thống Obama cho biết hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo quan chức hai nước nỗ lực hợp tác để tiến tới một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân. Ông Obama đã nói rằng: "Dù chắc chắn vẫn còn các trở ngại lớn nhưng thành công đã được đảm bảo và tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được một giải pháp toàn diện. Tôi đã nói rõ rằng chúng tôi tôn trọng quyền của nhân dân Iran được tiếp cận năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình một khi Iran thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ".

Đối với Iran, một thỏa thuận với Mỹ và các cường quốc khác sẽ giúp nước này thoát khỏi các lệnh trừng phạt vốn đang làm kiệt quệ nền kinh tế của nước này và giúp Tehran bước ra khỏi sự cô lập của quốc tế. Với Mỹ, việc tái lập quan hệ hữu nghị với Iran có thể khiến cho mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia và Israel bị ảnh hưởng. Tuy vậy, một thỏa thuận hạt nhân thực sự với Tehran sẽ thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria. Quan hệ tốt hơn với Iran cũng có thể làm giảm sự ủng hộ của Tehran đối với phong trào Hamas, có thể sẽ giúp cho tiến trình hòa bình ở Israel.

Giới chuyên gia nhận định, việc tái lập quan hệ hữu nghị với Iran sẽ là một sự thay đổi tích cực nhất trong các vấn đề toàn cầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nếu Mỹ không nắm lấy cơ hội này thì đây sẽ là sai lầm chiến lược lớn nhất kể từ cuộc chiến Iraq. Tuy nhiên, sau những kỳ vọng lớn lao thì những trở ngại lớn sẽ hiện hữu tại các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Iran, bắt đầu tại Geneva ngày 16.10 tới. Chưa kể đến việc, những nghi kị cả bên trong nội bộ nước Mỹ và Iran cũng sẽ là thử thách, sức ép không nhỏ đối với cả ông Obama và Rouhani.

Mai Tiến Dũng (Mai Tiến Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem