Bằng những tư liệu lịch sử, hồ sơ tài liệu chính thức được giải mật, hồi ký của các chính khách hàng đầu, thông cáo chính phủ, tư liệu của báo chí, hai nhà sử học Philippe Devillers và Jean Lacouture, chuyên nghiên cứu về Đông Dương đã tổng hợp, mô tả lại không khí chính trị, hoạt động tại các thủ đô: Paris, Washington và London, trong các chính phủ và quốc hội Pháp, Mỹ, Anh vào giai đoạn lịch sử đó. Pháp đã cầu cứu Mỹ như thế nào; chính quyền Mỹ đã quyết tâm cứu Pháp, có kế hoạch nhảy vào cuộc chiến bằng cách nào, Quốc hội Mỹ đã phân vân ra sao; chính phủ Anh đã phản ứng dè dặt và có thái độ như thế nào trước kế hoạch của Mỹ và cuối cùng, chiến dịch “Chim kền kền” đã được quyết định do những nguyên nhân nào?
Loại máy bay ném bom chiến lược B.26 mà Mỹ hứa chuyển giao cho Pháp. Ảnh tư liệu.
Đoạn sau đây trong một chương mang tựa đề Chiến dịch “Chim kền kền” trong cuốn “Kết thúc một cuộc chiến tranh” do hai nhà sử học Pháp xuất bản năm 1969 đề cập chi tiết các diễn biến lịch sử trên.
Chiến dịch “Chìm kền kền”
Cuộc tấn công mãnh liệt của Việt Minh vào Điện Biên Phủ, sự dồi dào về trang bị, vũ khí và hỏa lực pháo binh dữ dội không ngờ của họ – tất cả đã gây nên một sự bất ngờ choáng váng trong Bộ Chỉ huy quân sự Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn, khiến họ không thể giấu được nỗi lo trước kết cục sẽ đến đối với pháo đài đang bị vây hãm. Việc Việt Minh tăng cường trang bị vũ khí chi viện cho Điện Biên Phủ đã làm thay đổi toàn bộ tính chất tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ. Bộ Tham mưu của tướng Navarre càng ngày càng thấy rõ chỉ có nhanh chóng tăng cường hoạt động yểm trợ bằng không quân mới có thể tránh khỏi thảm họa.
Lúc này thì việc tăng quân bằng máy bay không cấp thiết bằng việc tiếp tế trang bị đạn dược và lương thực. Điện Biên Phủ là một cái bẫy, tăng viện thêm quân có nghĩa là thất bại hay nói cách khác là nướng thêm quân. Vào ngày 29/3/1954, tướng Navarre viết: “Số phận của Điện Biên Phủ tùy thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc thả dù tiếp tế và di tản người (rút quân khỏi ĐBP – ND). Phải tăng cường hoạt động yểm trợ chiến thuật và chiến lược của không quân bằng cách tấn công vào hậu phương của địch, ngăn chặn các đường tiếp tế, cắt đứt giao thông, phá hủy kho tàng, vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh của địch, kìm chân bộ binh địch và tạo nên một vành đai tử thần bằng bom na-pan xung quanh tập đoàn cứ điểm. Đó là cách duy nhất để tránh khỏi thảm họa, cách duy nhất để tránh khỏi một cuộc thương lượng hòa bình tiến hành dưới bóng đen của thất bại. Đó cũng là cách duy nhất để giữ cho cái giá phải trả ở trong mức độ giới hạn.
Dejean, Cao ủy Pháp ở Đông Dương nhanh chóng tiếp xúc với sứ quán Mỹ và phái đoàn quân sự Mỹ ở Sài Gòn, yêu cầu Mỹ ưu tiên chuyển giao ngay số máy bay trước đây đã hứa cung cấp cho Pháp gồm các loại: B.26 ném bom, F.8F chiến đấu, C.47 vận tải. Ông ta cũng yêu cầu Mỹ cho quyền sử dụng loại C.119 mà Pháp đã mượn của Mỹ lâu nay để tiến hành ném bom na-pan quy mô lớn “nhưng sẽ do các tổ lái người Pháp điều khiển”. Ông điện khẩn về Paris yêu cầu tăng thêm chi viện bằng không quân. Navarre cũng điện về Paris nội dung đó. Tướng Ely, Chủ tịch Bộ Tham mưu liên quân của Pháp đang chuẩn bị đi Washington nhân đó sẽ trực tiếp thúc giục Mỹ tăng nhanh tốc độ vận chuyển tiếp tế cho Đông Dương. Tướng Ely tới Washington vào ngày 20/3. Hoa Kỳ lúc này đang lo lắng cho số phận của Điện Biên Phủ. Liệu pháo đài này sẽ cố thủ được không? Tướng Ely tỏ ra lạc quan Điện Biên Phủ sẽ cố thủ được nếu các yêu cầu tăng viện nhanh chóng được chuyển tới để có thể đánh mạnh vào quân địch.
Không khí dư luận tỏ ra vô cùng thuận lợi đối với các yêu cầu của Pháp. Tướng Ely nhận thấy, các quan chức trong chính phủ Mỹ rất lạc quan và tin tưởng vào kết cục của cuộc chiến tranh. Sáng 22/3, ông được gặp Tổng thống Eisenhower. Chủ tịch Bộ Tổng tham mưu liên quân Mỹ, Đô đốc Radford cùng dự. Tổng thống nói với Đô đốc Radford rằng, các yêu cầu của tướng Navarre phải được đáp ứng ngay và phải đặc biệt ưu tiên giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể góp phần thắng lợi cho cuộc chiến hiện tại. Và trên thực tế các yêu cầu của Pháp, đặc biệt là yêu cầu về máy bay ném bom B.26 đã được đáp ứng ngay trong những tuần tiếp theo do các máy bay cất cánh từ căn cứ ở Philippines, Đài Loan và Nhật Bản thực hiện. Trong buổi tiếp Ely ngày 23/3, Ngoại trưởng Dulles cũng nói rằng, ông không thấy có lý do nào để từ bỏ kế hoạch Navarre, một kế hoạch đang dự báo thành công và thậm chí là thắng lợi cho chiến dịch tiếp theo, hay nói cách khác là cho cả năm sau nữa.
Nhưng điều Ely cần truyền đạt cho những nhà vạch chính sách của nước Mỹ là phải xua tan được thái độ lạc quan của họ, phải làm cho họ phải lo lắng, hoài nghi trước tình hình đang diễn biến xấu. Đến lúc này thì bộ máy chính phủ và chính quyền Mỹ mới tỉnh ra: Nước Pháp đang đứng trước một tình thế là phải chuẩn bị để bước vào thương lượng với những điều kiện xấu nhất nếu như không có sự giúp đỡ ồ ạt của Mỹ. Và lúc này các nhà lãnh đạo Mỹ mới thấy rõ là họ phải đưa nước Mỹ cam kết sâu hơn vào cuộc chiến.
Chính sách của Mỹ nhanh chóng thay đổi. Một cuộc xem xét lại thật sâu sắc, kỹ càng tình hình ở Đông Nam Á được tiến hành ở cấp cao nhất, và trong cuộc họp ngày 6/3, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đưa ra kiến nghị: Hoa Kỳ phải tiến hành mọi biện pháp có thể được để ngăn chặn Cộng sản kiểm soát vùng này, mất vùng này sẽ gây ra những hậu quả không lường hết đối với “Thế giới tự do”. Vào thời điểm đó đã có hơn 600 triệu người châu Á bị lôi kéo vào quỹ đạo của Moscow rồi. Không thể cho phép có thêm một số vùng khác nữa bị lôi kéo vào con đường như thế. Đông Nam Á cung cấp cho thế giới tự do một số hàng hóa có tầm quan trọng sống còn. Khu vực này cũng là một đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và nếu mất nó thì chính phủ Nhật sẽ khó giữ được mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Phải giữ được Đông Nam Á bằng tất cả mọi giá, mà Đông Dương là chìa khóa để giữ được toàn vùng.
(Còn nữa...)
Quang Doãn (Báo Quân đội Nhân dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.