Mỹ và kế hoạch "Chim kền kền" cứu Pháp ở Việt Nam (Kỳ 2): Ngoại giao con thoi

Thứ tư, ngày 03/07/2019 20:32 PM (GMT+7)
Các cuộc hội đàm với tướng Ely đã diễn ra ở Washington trong bối cảnh như thế. Các cuộc hội đàm xoay quanh 3 vấn đề thiết yếu ngoài yêu cầu cấp thiết về máy bay để chi viện cho Điện Biên Phủ. Hai trong ba vấn đề thuộc loại ít nhiều có tính chất dài hạn, vấn đề thứ ba thuộc loại ngắn hạn nhưng nội dung ý nghĩa của nó thì mênh mông.
Bình luận 0

Vấn đề thứ nhất đề cập đến biện pháp làm cho chính quyền Việt Nam (thuộc Pháp) tự mình đủ sức chống lại bước tiến của Cộng sản. Người Mỹ cực lực phê phán người Pháp về cách xây dựng và huấn luyện quân đội Việt Nam, một việc mà họ thấy họ có quyền phát biểu, bởi vì chính họ đã cung cấp hầu hết tài chính và trang bị cho mục đích này. Một phái bộ đặc biệt do tướng John O’Daniel cầm đầu đã sẵn sàng lên đường sang Việt Nam ngay sau khi giữa Mỹ và Pháp thỏa thuận xong kế hoạch mới để huấn luyện quân đội quốc gia Việt Nam (do Pháp thành lập năm 1949). Tướng Ely đã thảo luận thẳng thắn với Đô đốc Radford riêng về vấn đề này vào ngày 24/3.

Rõ ràng người Mỹ đã tin chắc là một quân đội quốc gia Việt Nam đông quân, trang bị đầy đủ, huấn luyện tốt (theo đường lối xây dựng quân đội Nam Triều Tiên) sẽ có thể ngăn chặn được các kế hoạch của Cộng sản.

img

Tổng thống Mỹ Eisenhower (bên phải) và Ngoại trưởng Dulles. Ảnh tư liệu.

Vấn đề thứ hai, vấn đề chủ yếu của phái bộ Ely, là bàn về việc yêu cầu Mỹ cam kết có hành động trong trường hợp Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến bằng không quân. Do sự tăng viện ồ ạt của Trung Quốc đã giúp cho Việt Minh đủ sức đẩy quân Pháp vào tình thế nguy ngập ở Đông Dương và Trung Quốc tiếp tục biểu thị “tinh thần hung hăng” (Ngoại trưởng Dulles đã tố cáo trong cuộc họp báo ngày 23/3). Hội nghị Geneve đang tới gần càng thúc đẩy Trung Quốc tăng viện cho Việt Minh mọi phương tiện để giành được một thắng lợi quyết định. Do đó cần phải làm nản chí mọi tính toán sai lầm của Trung Quốc trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị Geneve, phải làm cho Trung Quốc hiểu ngay bây giờ rằng, thế giới tự do sẽ can thiệp không để cho tình hình Đông Dương xấu hơn nữa do sự tăng viện của Trung Quốc cho Việt Minh. Cấp thiết phải có sự cảnh cáo rõ ràng với Trung Quốc, nhưng Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ) cho rằng việc chống lại làn sóng của chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á không nên coi là trách nhiệm riêng của Mỹ.

Bởi đó, tướng Ely có thể có được câu trả lời thỏa đáng để đem về Paris: Yêu cầu cấp bách về máy bay sẽ được đáp ứng; Mỹ sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp Pháp xây dựng quân đội quốc gia Việt Nam, và tuy không nói lên được lời cam kết nào chính thức trong trường hợp có sự can thiệp của Trung Quốc, Mỹ sẽ đưa ra những tuyên bố cảnh cáo mới đối với Bắc Kinh. Tướng Ely chuẩn bị trở về Paris vào ngày 25/3 như đã dự kiến. Nhưng đến phút cuối cùng, Ely đã hoãn giờ khởi hành lại 24 tiếng đồng hồ. Ở lại thêm một ngày, cuộc đối thoại có tầm quan trọng lớn của ông với Đô đốc Radford đã mở ra những triển vọng mới mẻ và rất quan trọng.

Theo các chỉ thị của Tổng thống Mỹ Eisenhower là phải làm mọi cách giúp Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng, do Trung Quốc đã tăng viện trợ cho Việt Minh một khối lượng lớn không thể lường trước được về trang bị pháo binh và pháo phòng không, vậy thì viện trợ của Mỹ cho quân đội viễn chinh Pháp có thể đi xa hơn một ít, có thể là chi viện không quân chiến thuật tạm thời và trong mức độ hạn chế. Radford đề nghị với Ely là hoạt động chi viện đó có thể được tiến hành trong tình hình chưa có hành động khiêu khích nào của Trung Quốc, chỉ có thể đơn thuần là chỉ giúp và có thể là cứu nguy cho quân phòng thủ trong pháo đài đang bị vây hãm. Hoạt động đó hoàn toàn không có nghĩa là đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh hoặc báo trước sự can thiệp của Mỹ.

Đề nghị của Radford là sẽ có khoảng 60 máy bay ném bom hạng nặng B26 của Mỹ từ căn cứ Clark Field, gần thủ đô Manila (Philippines) sẽ tiến hành nhiều cuộc oanh kích ban đêm xuống Điện Biên Phủ. Mỗi đợt oanh kích sẽ ném 450 tấn bom. Các máy bay này sẽ được 150 máy bay chiến đấu cất cánh từ các tàu sân bay Hạm đội Bảy của Mỹ hộ tống. Cách ném bom dồn dập này sẽ phá vỡ được vòng vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiêu hủy được phần lớn trang bị vũ khí của Việt Minh. Đô đốc Radford cũng không giấu một sự thật là một hành động như thế muốn nói lên sự giới hạn rất lớn của viện trợ Mỹ đối với Pháp trong cuộc chiến đấu của Pháp ở Đông Dương và ý nghĩa chính trị của nó cần phải được hai chính phủ nghiên cứu cẩn thận. Mọi việc chuẩn bị cần phải được tiến hành trước để tránh được mọi trì hoãn trong việc phát động chiến dịch, nhưng tín hiệu mở màn chiến dịch chỉ được phát ra sau khi đã nhận được sự chấp thuận của chính phủ (có thể hiểu là chính phủ Pháp phải chính thức đưa ra yêu cầu Mỹ chi viện). Do đó phải được sự chấp thuận của chính phủ càng sớm càng tốt và lúc đó hai Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân mới coi việc thực hiện chiến dịch là công việc chủ yếu của họ.

Ngày 27/3, vừa về tới Paris, tướng Ely báo cáo ngay với Thủ tướng Pleven kết quả của chuyến đi và đặc biệt báo cáo về đề nghị đặc biệt quan trọng của Radford. Ủy ban chiến tranh mở cuộc họp kín vào ngày 29/3 để thảo luận về các hệ quả trên các mặt chính trị, ngoại giao và chiến lược có thể xảy ra từ cái mà sau này được biết có tên là chiến dịch “Chim kền kền”.

Tất cả những người dự họp đều nghĩ rằng, một chiến dịch như thế do không quân Mỹ thực hiện có thể được hiểu đây là hành động đầu tiên của Mỹ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương và có thể gây ra hậu quả là Trung Quốc sẽ phản ứng mãnh liệt. Nhưng hành động đó không thể coi là một sự đe dọa nghiêm trọng, và ý kiến nhận định nhìn chung thì đó là một hành động mạo hiểm đáng thực hiện. Cuộc họp quyết định cử một sĩ quan trong Bộ Tham mưu của Ely sang ngay Đông Dương để hỏi ý kiến Navarre xem khả năng hoạt động oanh kích như thế sẽ có hiệu quả ra sao.

Đại tá Brohon (người cùng đi Washington với Ely) được giao nhiệm vụ này, đã đến Sài Gòn vào ngày 1/4 và lập tức bay ra Hà Nội và gặp Navarre và Dejean vào ngày 2/4. Ông ta nói rằng tướng Ely muốn biết ý kiến của tướng Navarre là liệu chiến dịch “Chim kền kền” theo như ông mô tả đại cương như thế thì có thể cứu vãn được Điện Biên Phủ hay không. Nếu tướng Navarre chấp thuận chiến dịch đó thì chính phủ Pháp sẽ thông qua và kế hoạch thực hiện sẽ trao lại cho chính phủ Mỹ.

(Còn nữa...)

Quang Doãn (Quân đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem