Mỹ và kế hoạch "Chim kền kền" cứu Pháp ở Việt Nam (Kỳ cuối): Thất bại

Thứ sáu, ngày 12/07/2019 18:34 PM (GMT+7)
Sự kiện này thật đáng chú ý. Ngay hôm sau đó (30/3), Jean Daridan, chuyên viên tư vấn tại Đại sứ quán Pháp hỏi một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ bài diễn văn đó có thể hiểu như thế nào thì được giải thích là chính phủ Mỹ đang xem xét một sự can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, ngoại trừ chuyện giải vây cho quân Pháp ở trên mặt đất.
Bình luận 0

Đó là điều cốt lõi của vấn đề. Dulles muốn thuyết phục dư luận công chúng Mỹ rằng hành động can thiệp, mà ông ta nghĩ rằng sẽ được quyết định nhanh chóng, sẽ là cách duy nhất có thể ngăn chặn không để cho Đông Dương rơi vào tay Cộng sản. Như các nhà lãnh đạo Mỹ thấy được, hành động này sẽ bao gồm hoạt động của không quân và hải quân nhưng không có bất cứ một thứ quân nào trên bộ. Chính quyền Mỹ hy vọng sẽ có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến, hay ít ra đạt được một sự thỏa hiệp để Mỹ không phải đưa bộ binh vào Đông Dương. Họ hy vọng bằng cách hăm dọa và ngăn đe can thiệp trực tiếp sẽ làm cho Trung Quốc từ bỏ chính sách bành trướng. Tuy nhiên trong cuộc họp báo ngày 31/3, Tổng thống Eisenhower đã làm dịu bớt nội dung tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ; ông nói ông không thể hình dung được một cái gì gây bất lợi hơn cho nước Mỹ bằng việc sử dụng bộ binh, hay thực tế là bằng bất cứ lực lượng gì trong các cuộc hành quân ở những vùng đất xa xôi.

img

Tù binh Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu.

Trong lúc đó thì Dulles và Radford đã cảnh báo với các lãnh đạo quốc hội về nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc đấu tranh này. Ông đô đốc cho rằng chính quyền phải tranh thủ quốc hội cho quyền sử dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn không cho Cộng sản giành được thắng lợi ở Đông Nam Á, phải đặc biệt lưu ý đến khả năng tình hình Đông Dương sẽ xấu đi một cách nghiêm trọng. Nhưng Tổng thống Eisenhower phản đối ý kiến này và Dulles cũng biết là yêu cầu đó sẽ bị bác bỏ. Nhưng dù sao trước hết cũng phải thăm dò quan điểm của các nhà lãnh đạo Quốc hội và tạo cho họ cơ hội được thông báo về tình hình do Tham mưu trưởng liên quân trình bày.

Ngày 3/4, Dulles bố trí một cuộc họp tại trụ sở Bộ Ngoại giao, dự họp có Radford và 8 nghị sĩ chủ chốt của Quốc hội, gồm 3 người thuộc đảng Cộng hòa và 5 người thuộc đảng Dân chủ. Radford trình bày đúng thực tế tình hình quân sự ở Đông Dương và mối nguy cơ thật sự là Pháp có thể sẽ sụp đổ và Việt Minh sẽ kiểm soát tình hình nếu Pháp không được chi viện khẩn cấp. Ông ta giải thích rằng sự viện trợ ồ ạt của Trung Quốc cho Việt Minh đang làm thay đổi tình thế chiến lược của cuộc chiến tranh và Mỹ cần phải có hành động thích đáng ngay bây giờ nếu muốn tránh được cái giá phải trả tốn kém hơn sau này.

Ông Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân và ông Ngoại trưởng yêu cầu các nghị sĩ cho biết đã đến lúc chín muồi chưa để có một nghị quyết của Quốc hội cho phép tổng thống được sử dụng không lực. Họ nhận được một câu trả lời là “Không”. Các nghị sĩ nói với hai ông, rằng Quốc hội không muốn Tổng thống đi vào con đường hành động có thể đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh kiểu Triều Tiên nữa.

Các nghị sĩ hỏi Đô đốc Radford, các Tham mưu trưởng Liên quân có nghĩ rằng việc Quốc hội cần phải cho phép tổng thống có quyền hạn như thế là một vấn đề khẩn cấp hay không. Ông Đô đốc trả lời rằng các Tham mưu trưởng Liên quân không có nhận định gì và những điều ông trình bày chỉ là ý kiến của riêng ông thôi. Ông thừa nhận rằng các Tham mưu trưởng Liên quân không đồng ý với ông về hiệu quả của hoạt động oanh kích vào khu vực xung quanh Điện Biên Phủ. Cả hai ông Dulles và Radford đều nhấn mạnh các ông không phát biểu thay mặt cho tổng thống hoặc cố hối thúc Quốc hội đi đến quyết định về vấn đề này.

Cuối cùng, các lãnh tụ Quốc hội tuyên bố rằng, bước đầu tiên trong việc hình thành một chính sách của Mỹ là phải xác định được những nước nào sẽ tự nguyện cùng với Mỹ tham gia “hành động phối hợp chung”. Trong bất cứ trường hợp nào Mỹ cũng không thể hành động đơn độc về vấn đề này. Đặc biệt, sự hợp tác của Anh là cần thiết. Dulles nói rằng đó cũng là quan điểm của ông ta.

Và, như thế là kế hoạch của Đô đốc Radford đã bị ngưng lại. Trong các giới chính trị hàng đầu, người ta cho rằng hoạt động tập kích bằng không quân không phải là một hình thức giúp đỡ tích cực cho Pháp để đối phó với một cuộc nổi loạn (nói về thuật ngữ thì đây không phải là chuyện nổi loạn – Chú thích của tác giả), mà rõ ràng là một hành động chiến tranh. Trong cuộc họp, khi Đô đốc Radford được hỏi là do hệ quả của cuộc tập kích bằng không quân, liệu có phải đưa các loại lực lượng khác của Mỹ trong đó có bộ binh vào tham chiến hay không, ông ta trả lời là không loại trừ hoàn toàn khả năng này. Các nhà lãnh đạo Quốc hội nghe nói thế mà phát hoảng.

Tuy nhiên, phản ứng của họ không phải đều giống nhau cả. Thượng nghị sĩ Cộng hòa William Knowland, lãnh tụ phe đa số, khi rời phòng họp nói vấn đề giữ cho Đông Dương vẫn đứng về phía bên này của bức màn sắt hay không sẽ được định đoạt trong những tháng tới. Nói cho cùng, theo nhận định của ông, “Thế giới Tự do” có nhiều biện pháp phản ứng mà không cần phải dùng đến cách đưa quân bộ của Mỹ vào. Ví dụ như ném bom lãnh thổ Trung Quốc, phong tỏa Trung Quốc bằng hải quân, để mặc cho lực lượng Quốc dân đảng ở Đài Loan tự do hoạt động, hoặc tiến hành hoạt động phối hợp với các quốc gia tự do ở châu Á…

Chiến dịch “Chim kền kền” đã bị ngăn chặn ngay từ lúc mới đề xuất qua một sự cân nhắc thận trọng, đau xót của các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ và họ kiên quyết từ chối không đưa kế hoạch ra thảo luận. Nhưng họ cũng tạo ra một cái cớ để tránh lỗi nhằm sau này có thể đổ trách nhiệm sang cho nước Anh.

Quang Doãn (Quân đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem